Dị ứng thuốc là gì? Biến chứng thường gặp trong quá trình điều trị do phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch khi nhầm lẫn thuốc là tác nhân gây hại
Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường của cơ thể với một loại thuốc bất kỳ. Nó xảy ra khi hệ miễn dịch nhầm lẫn thuốc là tác nhân gây hại và cần phải loại bỏ. Biểu hiện của dị ứng thuốc rất đa dạng, từ nhẹ đến nặng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Triệu chứng chung là mẩn ngứa và tổn thương da. Do đó, nếu nghi ngờ dị ứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và hỗ trợ xử lý kịp thời. Cùng BCC tìm hiểu ngay dị ứng thuốc là gì, dấu hiệu, cách điều trị và một số biện pháp phòng ngừa.
Nội dung
1. Dị ứng thuốc là gì?
Dị ứng thuốc xảy ra do cơ thể không dung nạp được thuốc, dẫn đến các phản ứng quá mức. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Dị ứng thuốc không phụ thuộc vào loại thuốc cũng như liều lượng nhiều hay ít. Tùy theo cơ địa mà có thể dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào. Dù đó là các loại dược phẩm bổ sung như vitamin B1. Trường hợp dị ứng thuốc nặng có thể gây sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Người bị dị ứng thường phản ứng với một số loại thuốc sau: thuốc kháng sinh, vitamin dạng tiêm, paracetamol, thuốc gây tê, gây ngủ, dãn cơ, nội tiết tố,…
Bất kỳ ai đều có thể phản ứng nhạy cảm với một loại thuốc nào đó. Biểu hiện ban đầu và phổ biến nhất là nổi mề đay, mẩn ngứa hoặc phồng rộp. Hầu hết mọi người hồi phục hoàn toàn mà không có tổn thương nào vĩnh viễn trên da. Dù các triệu chứng có thể vẫn xuất hiện trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi ngừng dùng thuốc gây ra phản ứng. Tuy nhiên, nếu không được xử lý kịp thời, có thể xảy ra các biến chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng.
2. Cơ chế dẫn đến dị ứng thuốc
Nguyên nhân dị ứng thuốc là do chất histamine và mô dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không hoạt tính. Khi có chất lạ xâm nhập vào người dễ bị dị ứng, nối tĩnh điện này bị cắt đứt và kích thích sản sinh histamine. Khi đó, tác dụng dược lực ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn làm:
- Giảm mạch, huyết áp giảm mạnh
- Tim đập nhanh
- Đau đầu do tăng áp lực nội sọ
- Ngạt thở khi co thắt khí phế quản
- Co thắt cơ trơn lên hệ tiêu hóa
Bởi vậy, các thuốc chống dị ứng thuốc còn được gọi là nhóm kháng histamine. Nhiều nhà nghiên cứu còn cho thấy mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ bị dị ứng, có đến 50% xác suất con sinh ra cũng bị dị ứng với cùng nguyên nhân. Hoặc nhân viên y tế cũng có nguy cơ bị dị ứng thuốc cao gấp 2,5 lần người khác. Sử dụng thuốc quá thời gian có thể phản tác dụng, biến đổi thành chất khác và gây ngộ độc cho người dùng. Chưa kể, hiện nay, có rất nhiều loại thuốc không rõ xuất xứ tràn lan trên thị trường.
3. Một số thuốc dễ gây dị ứng mẩn ngứa
Loại thuốc phổ biến nhất với nguy cơ dị ứng cao là opioid (nhất là khi gây tê tủy sống), hóa chất trị liệu và chloroquine. Ngoài ra, còn một số nhóm thuốc có thể gây dị ứng đã được BCC tổng hợp dưới đây:
- Thuốc kháng sinh: Penicillin G, Amoxicillin/clavulanate, Ampicillin, Cefotaxime, Ceftazidime, Erythromycin, Clindamycin, Tetracyclines, Minocycline,…, thuốc chống nấm miệng, chống sốt rét.
- Thuốc tim mạch: Amlodipine, Verapamil, Methyldopa, Amiodarone, Captopril, Irbesartan,…
- Thuốc chuyển hóa: Metformin, Gliclazide, Allopurinol.
- Thuốc an thần kinh và hướng thần (điều trị rối loạn tâm thần): Amitriptyline, Citalopram, Paroxetine, Sertraline, Carbamazepine, Phenytoin, Chlorpromazine, Phenothiazine,…
- Opioid và thuốc giảm đau: Morphine, Codeine, Oxycodone, Aspirin,…
- Steroid và hormone: Danazol, thuốc tránh thai
- Tác nhân hóa trị liệu và sinh học: Chlorambucil, Gemcitabine, Vemurafenib, Ipilimumab, Rituximab, Panitumumab,…
- Thuốc chẹn yếu tố alpha hoại tử khối u adalimumab và infliximab.
- Một số thuốc khác: Enoxaparin, tinh bột hydroxyetyl, thuốc cản quang tạo.
4. Dấu hiệu và triệu chứng khi dị ứng thuốc
Khi bị dị ứng thuốc, các triệu chứng phát ban, mẩn ngứa xuất hiện nhanh chóng. Thường chỉ trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi uống thuốc. Và tình trạng dị ứng có thể tiếp diễn trong vài ngày. Do đó, cần phát hiện sớm các dấu hiệu và triệu chứng liên quan. Tham khảo thêm:
4.1 Nổi mề đay
Nổi mề đay là dấu hiệu ban đầu thường gặp ở các trường hợp dị ứng thuốc. Thậm chí có trường hợp rất nặng. Nó xuất hiện sau khi dùng thuốc từ 5-10 phút đến vài ngày tùy loại thuốc và cơ địa. Người bệnh có cảm giác nóng bừng, ngứa râm ran và nổi ban cùng sẩn phù này trên da. Ban đầu nó chỉ là những nốt mụn đỏ li ti. Nhưng sau đó, nó càng lan rộng và hình thành mảng. Càng gãi nốt sần phù càng to và lan rộng toàn thân. Ngoài mề đay, trường hợp nặng có thể bị đau bụng, đau khớp, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, sốt cao… Phần lớn dị ứng các loại thuốc đều gây ra tình trạng này. Đặc biệt là thuốc kháng sinh, chống viêm, vaccine, huyết thanh, giảm đau, hạ sốt…
4.2 Viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng tiếp xúc chủ yếu do thuốc và hóa chất gây ra. Điển hình là thuốc bôi và mỹ phẩm. Vết thương tổn chủ yếu là chàm (eczema) với mụn nước kèm ban đỏ và ngứa trên da. Tình trạng này xảy ra ít giờ ngay sau tiếp xúc với thuốc, mỹ phẩm. Chỗ tiếp xúc ngứa dữ dội, nổi ban đỏ, mụn nước và phù nề.
Xem thêm:
- Dị ứng mỹ phẩm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Dị ứng thời tiết: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
4.3 Đỏ toàn thân
Đỏ toàn thân thường do dị ứng với một số loại thuốc. Chẳng hạn như penicillin, ampicillin, streptomycin, sulfamid, tetracyclin, các thuốc an thần, NSAIDs… Tình trạng này lan nhanh theo diện rộng trên ≥ 90% diện tích cơ thể hoặc toàn thân. Triệu chứng này diễn biến gồm 2 giai đoạn: đỏ da và bong vẩy trắng. Bệnh xuất hiện 2-3 ngày, trung bình 6-7 ngày, thậm chí 2-3 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh ngứa ngáy khắp người với các nốt ban đỏ toàn thân với vẩy trắng. Kẽ tay chân còn nứt chảy nước vàng, thậm chí bội nhiễm. Ngoài ra, còn sốt cao và rối loạn tiêu hóa.
4.4 Phù Quincke
Phù Quincke là dạng mề đay nghiêm trọng, sưng phù cục bộ dưới da. Tình trạng này khiến người bệnh ngứa ngáy và đau nhức. Nguyên nhân chủ yếu do dị ứng thuốc kháng sinh, hạ sốt, chống viêm, huyết thanh,… Phù Quincke thường xuất hiện ở vùng da mỏng, quanh mắt, môi, cổ, tay chân, bộ phận sinh dục… Kích thước mảng mề đay to, có thể bằng bàn tay. Tổn thương có thể làm mắt híp hoặc môi biến dạng. Đi kèm còn có triệu chứng đau đầu, chóng mặt và buồn nôn.
Trường hợp nguy hiểm hơn, phù Quincke ở họng, thanh quản khiến bệnh nhân khó thở, ho khan và tím tái. Diễn biến nghiêm trọng khi co thắt khí quản còn làm người bệnh khó thở. Thâm chí, tử vong nếu không được xử lý kịp thời. Phù Quincke đường tiêu hóa còn gây ra tiêu chảy và nôn ói dữ dội.
4.5 Hội chứng hồng ban đa dạng có bọng nước (Hội chứng Stevens – Johnson)
Hội chứng Stevens – Johnson là phản ứng dị ứng nặng và nguy hiểm. Nó xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày sau khi sử dụng thuốc. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, nóng ran khắp người với các bọng nước trên da. Ngoài ra, còn bị sốt cao và mệt mỏi. Chưa kể, các hốc tự nhiên như mắt, miệng, họng, bộ phận sinh dục có thể bị viêm loét, thậm chí hoại tử. Có thể kèm theo tổn thương gan thận và gây tử vong nếu nghiêm trọng.
4.6 Hội chứng hoại tử tiêu thượng bì nhiễm độc (Hội chứng Lyell)
Hội chứng Lyell cũng là một trong những phản ứng dị ứng thuốc nặng. Nó có thể xuất hiện vài giờ đến vài tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao và ngứa ngáy. Trên da xuất hiện các mảng đỏ, hoặc chấm huyết. Vài ngày sau, lớp thượng bì tách khỏi da và trợt ra từng mảng dễ dàng. Hội chứng này có thể gây viêm gan, thận, thậm chí tử vong.
4.7 Sốc phản vệ
Đây là giai đoạn dị ứng diễn biến nặng và đe dọa đến tính mạng.
- Khó thở, co thắt và phù nề đường thở.
- Đau bụng, chóng mặt, buồn nôn.
- Nôn hoặc tiêu chảy.
- Khó chịu, bồn chồn, hoảng hốt.
- Nhịp tim nhanh, hạ huyết áp.
- Mất ý thức.
5. Ai là người dễ bị dị ứng thuốc kháng sinh?
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phản ứng dị ứng thuốc. Tuy nhiên, có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ như sau:
- Tiền sử dị ứng với một số chất khác như thực phẩm hoặc sốt hoa cỏ (Hay fever).
- Phản ứng dị ứng với loại thuốc khác.
- Tiền sử bản thân, gia đình bị dị ứng.
- Tăng tiếp xúc với chính chất khác sinh đó do liều dùng cao, sử dụng kéo dài và lặp lại.
- Mắc các bệnh liên quan đến phản ứng dị ứng thuốc như nhiễm HIV hoặc virus Epstein-Barr.
6. Khi nào cần đến viện điều trị?
Với trường hợp nhẹ, các dấu hiệu dị ứng có thể tự hết sau vài giờ hoặc vài ngày ngưng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng không cải thiện mà ngày càng nặng, người bệnh cần được thăm khám kịp thời. Ngay khi có một số triệu chứng dưới đây, cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị:
- Nói khó khăn, giọng khàn, khó thở do khí phế quản bị co thắt.
- Phù nề thanh quản, ngứa cổ họng.
- Sưng vùng cổ họng, lưỡi, môi.
- Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn ói.
- Mạch đập mạnh, nhịp tim nhanh, mất dần ý thức.
- Tụt huyết áp, ngứa ngáy, phát ban toàn thân, sốt cao, tức ngực, tiêu chảy.
- Sốc phản vệ.
7. Làm gì khi bị mẩn ngứa do dị ứng thuốc?
7.1 Các bước xử lý ban đầu
Ngay khi nhận ra các dấu hiệu dị ứng thuốc, người bệnh cần:
- Ngưng ngay thuốc đang sử dụng hoặc nghi ngờ dị ứng.
- Sử dụng thuốc chống dị ứng nếu mức độ nhẹ.
- Tiêm ngay thuốc epinephrine tự động khi có biểu hiện sốc phản vệ. Chích vào bắp thịt đùi phía ngoài. Nếu các triệu không đỡ mà nghiêm trọng hơn, tiêm epinephrine lần thứ 2 sau liều thứ nhất 5 phút.
- Nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời khi tiến triển nặng như khó thở, tức ngực, phát ban, rối loạn tiêu hóa, mất ý thức, sốc phản vệ,…
- Người bệnh cần ghi nhớ các loại thuốc hoặc thành phần thuốc dị ứng. Đồng thời, thông báo với bác sĩ để sử dụng thuốc thay thế khác.
7.2 Phương pháp chẩn đoán, xác định tình trạng
- Cách kiểm soát và điều trị khi bị dị ứng thuốc phụ thuộc vào loại thuốc và mức độ dị ứng. Dù có bất kỳ triệu chứng nào nhẹ hay nặng cũng đều cần ngưng sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế gần nhất.
- Để chẩn đoán nổi mề đay hoặc mẩn ngứa dị ứng, cần xem xét lâm sàng dựa trên các vết đỏ hoặc vùng bị sưng và tìm hiểu thêm tiền sử bệnh. Ngoài ra, có thể thực hiện xét nghiệm máu hoặc kiểm tra da dị ứng để xác định nguyên nhân. Bởi một số trường hợp bị nhiễm giun cũng gây mẩn ngứa ngoài da.
- Sinh thiết da cũng hỗ trợ chẩn đoán do phản ứng thuốc hoặc tình trạng khác có biểu hiện tương đương. Ví dụ như bệnh ngoại vi do virus là phát ban xảy ra do nhiễm virus.
7.3 Một số loại thuốc điều trị
Một số loại thuốc có thể ngăn chặn phản ứng miễn dịch và giảm thiểu các triệu chứng.
- Thuốc làm giảm tình trạng ngứa: Thuốc kháng histamine anti H1 thế hệ 2 như loratadine, cetirizin, fexofenadin, rupatadin, desloratadin astemisol, loratadin, diphenhydramine… Chúng giúp giảm ngứa, sưng tấy và một số triệu chứng khác.
- Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Nếu sử dụng histamine không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc làm dịu hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.
- Thuốc chống viêm: Với trường hợp nổi mề đay, mẩn ngứa nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc corticosteroid để ngừa viêm, giảm sưng. Chẳng hạn như prednisone, methylprednisolon,…
Lưu ý:
- Tuyệt đối không để bệnh nhân tiếp xúc với các loại thuốc điều trị và phòng bệnh đã gây dị ứng.
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc có nguy cơ dị ứng chéo.
- Một số trường hợp dị ứng nghiêm trọng như Hội chứng Stevens-Johnson, Lyell cần điều trị hỗ trợ bằng bù dịch, chăm sóc da bọng nước, giảm đau và ngăn ngừa bội nhiễm.
- Để tránh sốc phản vệ, cần xử trí kịp thời trường hợp đỏ da, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell.
- Có thể bù nước và chất điện giải khi cần, kể cả thuốc lợi tiểu.
- Trường hợp bội nhiễm có thể sử dụng kháng sinh thích hợp nhằm đảm bảo an toàn.
7.4 Biện pháp hỗ trợ giảm mẩn ngứa
Tình trạng mẩn ngứa có thể nghiêm trọng hơn do một số tác nhân. Chẳng hạn như thực phẩm, phấn hoa, lông thú cưng, vết côn trùng đốt,… Nếu nghi ngờ thuốc gây dị ứng cần ngưng sử dụng ngay lập tức. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mệt mỏi, căng thẳng cũng gây mẩn ngứa, phát ban nặng.
- Chườm lạnh: Chườm đá hoặc khăn lạnh lên vùng, vị trí phát ban, mẩn ngứa. Phương pháp này giúp làm dịu da và ngăn ngừa trầy xước.
- Tắm mát: Việc tắm trong nước mát có rắc baking soda hoặc bột yến mạch cũng làm giảm mức độ mẩn ngứa. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp kiểm soát lâu dài chứng ngứa mãn tính. Bên cạnh đó, cần kết hợp mặc quần áo rộng rãi, vải mịn và tránh vải thô, bó sát, dễ xước.
- Chống nắng: Một số loại thuốc khiến da trở nên nhạy cảm hơn với tia cực tím. Nếu không có biện pháp chống nắng, da nhanh chóng bị cháy nắng và ngứa ngáy. Do đó, cần bôi kem chống nắng, trang bị mũ áo đầy đủ để bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời.
8. Cách phòng ngừa dị ứng thuốc
Tình trạng dị ứng thuốc xảy ra ở lần sau đều trầm trọng hơn lần trước. Vì vậy, việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời. Chứ không thể giải quyết tận gốc căn nguyên dị ứng. Do đó, cách tốt nhất là dự phòng để không bị dị ứng. Dưới đây là một số tips giúp phòng ngừa dị ứng thuốc hiệu quả cần biết:
- Chỉ sử dụng thuốc với liều lượng và loại thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý mua thuốc tự điều trị hoặc nghe theo toa thuốc của những người bệnh cùng tình trạng.
- Tuyệt đối không sử dụng loại thuốc đã gây dị ứng trước đó.
- Khi đi khám bệnh hoặc mua thuốc, cần thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết loại thuốc đã bị dị ứng trước đây và những loại thuốc hiện đang dùng.
Xem thêm:
- Dị ứng thức ăn là gì? Biểu hiện, nguyên nhân và cách xử lý
- Dị ứng nước là gì? Biểu hiện, phương pháp chẩn đoán và điều trị
9. Tạm kết
Trên đây là toàn bộ thông tin nhằm giải đáp “Dị ứng thuốc là gì?”. Dị ứng thuốc là phản ứng bất thường của hệ miễn dịch với một loại thuốc nào đó. Nó có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào, dù được dùng bằng đường uống, tiêm, bôi da, hít hay khí dung. Biểu hiện của dị ứng thuốc có thể từ nhẹ như nổi mẩn ngứa, phát ban, buồn nôn, tiêu chảy đến nặng như sưng phù mặt, khó thở, sốc phản vệ. Nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, việc phòng ngừa dị ứng thuốc là vô cùng quan trọng. BCC chuyên cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất các thông tin liên quan đến ứng dụng và Nghiên cứu trong mọi lĩnh vực.