Liệu pháp miễn dịch là một phương thức trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại ung thư, kéo dài thời gian sống
Hệ miễn dịch được xem như hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Đặc biệt trong bệnh lý ung thư. Do đó, việc tận dụng và kích thích hệ miễn dịch của cơ thể là chìa khóa quan trọng trong việc kiểm soát bệnh ung thư và tăng khả năng sống của bệnh nhân. Điều trị miễn dịch sẽ kích thích hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư bằng nhiều cách khác nhau mà không dùng các phương pháp can thiệp khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Cùng tham khảo ngay thông qua bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1. Liệu pháp miễn dịch trong chữa trị ung thư là gì?
- 2. Cơ chế hoạt động và hiệu quả với bệnh nhân giai đoạn muộn
- 3. Ưu, nhược điểm của liệu pháp miễn dịch
- 4. Hiệu quả thực tiễn với tình hình ung thư tại Việt Nam
- 5. Chi phí điều trị
- 6. Các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư
- 7. Chỉ định điều trị và hiệu quả đáp ứng của liệu pháp miễn dịch trong ung thư
- 8. Kết luận
1. Liệu pháp miễn dịch trong chữa trị ung thư là gì?
Liệu pháp miễn dịch (liệu pháp sinh học) là tổng hợp các phương pháp sinh học giúp tạo kháng thể chống lại tế bào ung thư. Liệu pháp này kích thích các tế bào từ cơ thể hoặc tạo ra từ thí nghiệm để cải thiện hoặc khôi phục chức năng miễn dịch. Dưới đây là vai trò của liệu pháp miễn dịch:
- Làm chậm và ngưng sự phát triển của tế bào ung thư
- Ngăn tế bào lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể
- Cải thiện hệ thống miễn dịch, tiêu diệt tế bào ung thư
- Đánh dấu và truy tìm vị trí của các tế bào ung thư, hỗ trợ hệ miễn dịch tiêu hủy khối u một cách hiệu quả.
- Tuy nhiên, nó có thể khiến bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ. Chẳng hạn như tại vị trí tiêm có thể cảm thấy ngứa ngáy, đau, đỏ, sưng, phát ban, dị ứng,… Tuy nhiên, biểu hiện này thường khá hiếm.
2. Cơ chế hoạt động và hiệu quả với bệnh nhân giai đoạn muộn
Cơ chế để tế bào ung thư phát triển là khả năng “trốn thoát” khỏi hệ thống miễn dịch. Các liệu pháp miễn dịch chính giúp đánh dấu tế bào ung thư. Từ đó, tạo cơ hội cho hệ thống miễn dịch dễ dàng tìm kiếm và tiêu diệt chúng. Các liệu pháp miễn dịch khác lại kích thích hệ thống miễn dịch hoạt động tốt hơn để chống lại tế bào ung thư. Cụ thể là trì hoãn thời gian tiến triển của bệnh và kéo dài thời gian sống. Tuy nhiên, khó có thể chữa khỏi triệt để được ung thư giai đoạn muộn. Hiện nay có 2 nhóm điều trị miễn dịch.
Sử dụng thuốc đích kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể giúp chống lại các khối u. Đó là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, ức chế hoạt động của các thụ thể PDL1/PD1 hoặc CTLA4. Cụ thể là Pembrolizumab, Durvalumab, Atezolizumab, Tremelimumab.
Lấy các tế bào có chức năng miễn dịch ra khỏi cơ thể bệnh nhân, gắn các thụ thể giúp nhận biết tế bào ung thư và nhân lên. Tức là kích thích tế bào miễn dịch khả năng “tìm và diệt” tế bào ung thư. Sau đó, đưa chúng về lại cơ thể. Điển hình là liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T được chỉ định trong u lympho và bệnh bạch cầu.
3. Ưu, nhược điểm của liệu pháp miễn dịch
Điều trị miễn dịch được coi là bước tiến lớn trong điều trị ung thư. Nó giúp tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch có vai trò chủ đạo trong liệu pháp miễn dịch. Cụ thể là các kháng thể đơn dòng ngăn chặn sự kết hợp các dấu ấn đặc biệt của tế bào ung thư gắn vào điểm kiểm soát của tế bào miễn dịch. Trên cơ sở kích hoạt miễn dịch, nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư.
Tuy nhiên, việc tăng cường hệ thống miễn dịch dẫn đến quá mẫn với hàng loạt phản ứng đáp ứng viêm hệ thống. Nó gọi là biến cố bất lợi liên quan đến miễn dịch (irAE). Tỷ lệ được báo cáo của các biến cố bất lợi cũng có sự chênh lệch lớn. Cụ thể là từ 15% đến 90% tuỳ loại độc tính và mức độ. Đồng thời, khác nhau giữa các thuốc miễn dịch và các bệnh ung thư. Các biến cố bất lợi nặng dẫn đến ngưng điều trị hoặc tử thường rất thấp. Hầu hết độc tính ở mức độ nhẹ và có thể kiểm soát được nếu được điều trị phù hợp.
4. Hiệu quả thực tiễn với tình hình ung thư tại Việt Nam
Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch được áp dụng rộng rãi trong khoảng 5 năm trở lại đây. Hàng nghìn bệnh nhân đạt được kết quả điều trị khả quan. Đặc biệt kết hợp với các phương thức phẫu thuật, xạ trị, hoá trị… Nó giúp chữa khỏi ung thư giai đoạn sớm và kéo dài thời gian cho bệnh nhân giai đoạn di căn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, không phải tất cả các bệnh nhân đều đáp ứng được với thuốc miễn dịch. Nó còn phụ thuộc vào các dấu ấn sinh học.
Hiện nay, dấu ấn sinh học được sử dụng phổ biến nhất trong thực hành lâm sàng là chỉ số PD-L1 trên tế bào u và tế bào miễn dịch bị xâm nhiễm. PD-L1 được xác định bằng hóa mô miễn dịch trên mẫu mô u. Mỗi loại ung thư sẽ có ngưỡng PD-L1 riêng biệt. Nó là cơ sở để quyết định lựa chọn liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch phù hợp cho từng bệnh nhân. Ngoài ra, còn có một số dấu ấn sinh học khác như MSI (Microsatellite instability), TMB (tumor mutation burden).
Điều trị đích và miễn dịch là thành tựu nổi bật trong y học. Hướng nghiên cứu trong tương lai là kết hợp các liệu pháp miễn dịch khác nhau. Hoặc sử dụng liệu pháp miễn dịch kết hợp với các phương pháp điều trị đích. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng điều trị miễn dịch ở các bệnh nhân giai đoạn sớm.
Xem thêm:
- Globulin miễn dịch là gì? Cấu trúc, vai trò và nguyên tắc sử dụng
- Liệu pháp miễn dịch tự thân – Bước ngoặt lớn trong điều trị ung thư
5. Chi phí điều trị
Giá thành và chi phí của điều trị miễn dịch khá cao so với thu nhập chung. Do đó, để bệnh nhân dễ tiếp cận, các hãng dược cần giảm giá thành. Còn cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách bảo hiểm y tế phù hợp để có các chương trình phúc lợi hỗ trợ bệnh nhân.
6. Các liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư
Dưới đây là một số liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư đã được BCC tổng hợp.
6.1 Kháng thể đơn dòng và liệu pháp ức chế khối u
Hệ miễn dịch sản xuất kháng thể giúp chống lại các tác nhân gây hại. Kháng thể đơn dòng là liệu pháp đặc biệt giúp tiêu diệt các tế bào ung thư. Điều đó có nghĩa đây cũng chính là một liệu pháp miễn dịch. Nó hoạt động tương tự như một kháng thể tấn công vào các protein có trong các tế bào ung thư. Đồng thời, là tiền đề tiếp cận tế bào ung thư giúp hệ miễn dịch tìm và tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư.
Con đường PD-1 / PD-L1 và CTLA-4 rất quan trọng trong việc kiểm soát tiến triển của ung thư. Nó được gọi là điểm kiểm tra miễn dịch mà tế bào ung thư sử dụng để thoát khỏi hệ thống miễn dịch. Hệ thống sẽ ngăn chặn chúng bằng cách sản xuất ra các kháng thể. Chúng chính là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Một khi hệ thống miễn dịch có thể tìm và phản ứng, nó sẽ ngăn chặn và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, điều trị kháng thể đơn dòng lại gây ra một số tác dụng phụ, tùy thuộc vào mục đích của thuốc. Hiện nay, liệu pháp miễn dịch đang được nghiên cứu sâu hơn và đạt được một số ứng dụng thực tiễn.
6.2 Thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (Checkpoint Inhibitors)
Khi tế bào bình thường, hệ miễn dịch dựa vào các “điểm nhận biết” hoặc “điểm dừng miễn dịch” để tránh hoạt hóa quá mức. Các tế bào bướu thường tận dụng điều này để tránh sự phát hiện của hệ miễn dịch. CTLA-4 và PD-1 là những điểm nhận biết đã được nghiên cứu và được chấp thuận của FDA đưa vào sử dụng trong lâm sàng như một liệu pháp chống ung thư. CTLA-4 thường có trên bề mặt tế bào T và tăng điều hòa bất thường ở một số loại ung thư chính. PD-1 cũng làm tăng điều hòa trong một số loại ung thư. Đồng thời, làm ức chế chức năng của tế bào T. Gián tiếp làm cho bướu “trốn thoát” khỏi sự kiểm soát của hệ miễn dịch.
6.3 Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu
Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu giúp hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư. Hầu hết chúng được đưa ra sau hoặc cùng lúc với các phương pháp điều trị ung thư khác, như hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên, một số liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu lại được sử dụng như phương pháp điều trị chính. Cụ thể:
- Interferon: Interferon giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư và làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư. Tác dụng phụ bao gồm các triệu chứng giống cúm, tăng nguy cơ nhiễm trùng, phát ban và rụng tóc.
- Interleukin: Interleukin giúp hệ thống miễn dịch sản xuất các tế bào tiêu diệt ung thư. Nó được sử dụng để điều trị ung thư thận và ung thư da. Tác dụng phụ thường gặp là tăng cân và huyết áp thấp. Ngoài ra, có thể gặp một số triệu chứng giống như cúm.
6.4 Liệu pháp virus oncolytic
Liệu pháp virus oncolytic sử dụng vi rút biến đổi gen để tiêu diệt các tế bào ung thư. Cụ thể, virus sẽ được tiêm vào khối u. Sau đó, xâm nhập vào các tế bào ung thư và nhân lên thành các bản sao. Kết quả là các tế bào vỡ ra, chết và giải phóng ra các kháng nguyên. Từ đó, kích hoạt hệ thống miễn dịch của bệnh nhân. Virus chỉ nhắm vào các tế bào ung thư có cùng các kháng nguyên chứ không tiêu diệt tế bào khỏe mạnh.
6.5 Liệu pháp tế bào T
Tế bào T là tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng. Với liệu pháp này, các tế bào sẽ được lấy ra từ máu bệnh nhân. Sau đó, thay đổi cấu trúc để có các protein (thụ thể). Các thụ thể cho phép tế bào T nhận ra các tế bào ung thư. Hoàn thiện thay đổi xong, các tế bào T được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Khi đó, chúng sẽ tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Nó được gọi là liệu pháp tế bào CAR-T. Hiệu quả của nó được chứng minh trong việc điều trị một số bệnh ung thư máu. Các nhà nghiên cứu vẫn đang nghiên cứu để tìm ra nhiều cách sửa đổi tế bào T nhằm điều trị nhiều loại ung thư khác nhau.
6.6 Vaccine ung thư
Vaccine ung thư giúp cơ thể chống lại bệnh tật bằng cách làm lộ kháng nguyên. Từ đó, làm tăng đáp ứng của hệ miễn dịch với các tế bào ung thư. Vaccine khi được đưa vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận biết, tiêu diệt kháng nguyên hoặc các chất lạ xâm nhập. Có 2 loại vaccine ung thư: vaccine phòng ngừa và điều trị. Các vaccine có nguồn gốc từ các tế bào miễn dịch. Chúng được thiết kế, nuôi dưỡng và huấn luyện ngoài cơ thể. Đồng thời, truyền lại cho cơ thể chủ để điều hòa và làm tăng đáp ứng hệ miễn dịch chống lại các kháng nguyên của bướu. Mục đích chính của vaccine trong trị liệu ung thư không phải để ngăn chặn bệnh. Mà là tạo phản ứng miễn dịch chủ động chống lại mầm ung thư đã có.
6.7 Protein điều hòa miễn dịch (Cytokines)
Cytokine là những protein tạo ra từ chính các tế bào của cơ thể. Nó hỗ trợ đáp ứng miễn dịch nguyên phát của cơ thể. Đồng thời, gây đáp ứng miễn dịch với các tế bào ung thư. Có hai loại cytokine được sử dụng là Interferons và Interleukins. Trong đó, thường gặp nhiều nhất là interleukin 2 (IL-2) và interferon α (IFN-α) giúp điều hòa đáp ứng miễn dịch. Ví dụ, IL-2 ảnh hướng lớn đến hệ miễn dịch và hoạt động như là yếu tố tăng trưởng thông thường của tế bào T. Chúng sẽ bám vào thụ thể trên bề mặt của tế bào T và điều hòa sự sinh trưởng của chúng. Sau đó, tiếp tục sản xuất các cytokine và hoạt hóa nhiều loại tế bào miễn dịch khác.
Kết quả điều trị với liều cao IL-2 cho thấy chúng có thể đáp ứng miễn dịch hoàn toàn ở 4% – 6% bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào thận và ung thư máu. Tức là liệu pháp IL-2 có hiệu quả trong đáp ứng miễn dịch kháng bướu nội sinh.
7. Chỉ định điều trị và hiệu quả đáp ứng của liệu pháp miễn dịch trong ung thư
7.1 Các chiến lược điều trị
Hiện nay, liệu pháp miễn dịch chưa được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng như các liệu pháp truyền thống. Tuy nhiên, gần đây nhiều loại thuốc miễn dịch dựa trên kháng thể đơn dòng đã được cho phép sử dụng trong điều trị nhiều loại ung thư khác nhau. Cụ thể là ung thư máu, ung thư gan, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, còn có rất nhiều liệu pháp miễn dịch khác đang được nghiên cứu lâm sàng ở pha II và pha III. Ngoài ra, một số ít thuốc đã được tổ chức FDA cấp phép bán trên thị trường dược phẩm dành cho ung thư hệ tạo huyết và cho thấy một số cải thiện đáng kể.
Đối với các loại ung thư bướu đặc (solid tumor), do đặc điểm đa dạng trong việc biểu hiện kháng nguyên nên để tìm ra vaccine phù hợp vẫn là một thách thức lớn. Các loại thuốc miễn dịch có thể được đưa vào cơ thể ở nhiều dạng. Chưa kể, quá trình điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cũng phụ thuộc vào một số yếu tố. Sau đó, để thẩm định hiệu quả sử dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư, diễn tiến bệnh và tình trạng sức khỏe. Bệnh nhân cần được theo dõi nghiêm ngặt cũng như kiểm tra về sinh lý bệnh, khả năng chống chịu của cơ thể. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra các chỉ tiêu xét nghiệm máu, mô và một số các chẩn đoán hình ảnh như CTscan, MRI, hóa mô miễn dịch,…
7.2 Các phương thức đưa liệu pháp miễn dịch vào cơ thể để điều trị ung thư
Tùy vào liệu pháp điều trị mà có phương thức đưa vào cơ thể phù hợp. Cụ thể:
- Tiêm tĩnh mạch (IV): Liệu pháp miễn dịch được truyền trực tiếp vào tĩnh mạch.
- Đường uống: Liệu pháp miễn dịch có trong viên thuốc hoặc viên nang giúp người bệnh uống, nuốt dễ dàng.
- Kem bôi da: Liệu pháp này có thể được sử dụng cho ung thư da giai đoạn sớm.
- Bơm hóa chất vào bàng quang: Đưa liệu pháp miễn dịch vào trực tiếp bàng quang.
7.3 Tần suất điều trị bằng liệu pháp miễn dịch
Thời gian và tần suất điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch quyết định dựa trên rất nhiều yếu tố. Cụ thể là loại ung thư, mức độ nghiêm trọng của bệnh, phương pháp điều trị và sự đáp ứng của cơ thể. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Có những liệu pháp cần áp dụng theo chu kỳ. Sau khi hoàn thành, sẽ có khoảng nghỉ để cơ thể phục hồi và tái tạo tế bào.
7.4 Liệu pháp miễn dịch trong liệu pháp điều trị đa mô thức
Hiện nay các liệu pháp miễn dịch trong ung thư chủ yếu dành cho bệnh ở giai đoạn tiến xa. Bởi vậy, thường được sử dụng như điều trị duy nhất. Tuy nhiên, để ứng phó với tính đa dạng sinh học của bướu, Có thể sử dụng kết hợp một số liệu pháp miễn dịch để tăng cường đáp ứng bướu.
Cụ thể, gần đây có các thử nghiệm lâm sàng kết hợp giữa hoá trị và điều trị miễn dịch. Qua đó, tăng cường đáp ứng bướu và kéo dài thời gian sống còn. Hơn nữa, điều trị miễn dịch sau các phương pháp can thiệp lấy đi khối bướu cũng làm giảm thời gian tái phát. Điều này trước đây rõ ràng là vai trò của xạ trị hỗ trợ. Một số thử nghiệm lâm sàng hiện cũng đang hướng tới việc phối hợp xạ trị và điều trị miễn dịch để tăng cường đáp ứng bướu dành cho ung thư đầu cổ giai đoạn tiến xa hay ung thư tái phát.
Xem thêm:
- Xét nghiệm miễn dịch – Kỹ thuật hiện đại hàng đầu hiện nay
- Tế bào miễn dịch là gì? Phân loại và vai trò chi tiết
7.5 Một số lưu ý trong điều trị bằng liệu pháp miễn dịch ung thư
Ưu điểm của liệu pháp miễn dịch là tính đặc hiệu và có tác dụng toàn thân. Đồng thời, khả năng an toàn cao và ít xảy ra các tác dụng phụ. Tuy nhiên, vẫn còn một số trở ngại trong việc sử dụng các liệu pháp miễn dịch ung thư. Cụ thể:
- Lệ thuộc giữa tổng khối tế bào bướu và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể
- Các gen gây ung thư trong các tế bào của một khối bướu hiểu hiện không giống nhau.
- Một số tế bào bướu có khả năng tạo các yếu tố làm suy giảm hoặc ức chế đáp ứng miễn dịch.
Ngoài ra, khó tránh khỏi một số tác dụng phụ ở các liệu pháp điều trị ung thư. Nó phụ thuộc vào từng loại liệu pháp miễn dịch sử dụng và phản ứng của cơ thể. Tác dụng phụ phổ biến nhất là phản ứng của vùng da. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng cảm cúm như sốt, cảm lạnh, chóng mặt, nôn mửa hoặc đau đầu,… Bên cạnh đó, còn có một số trường hợp xảy ra chứng phù nước, tăng cân do trữ nước, nhịp tim cao, viêm dị ứng, tắc nghẽn xoang,… Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ này không đáng kể và an toàn với cơ thể bệnh nhân.
8. Kết luận
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư hứa hẹn mang lại nhiều cải thiện tiên lượng sống còn trong ung thư. Đây được xem là “vũ khí” tiêu diệt ung thư thứ tư sau phẫu, hoá và xạ trị. Hiện nay, chúng đang được thử nghiệm kết hợp với các mô thức điều trị khác giúp hỗ trợ cho các liệu pháp truyền thống. BCC chuyên cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất các thông tin liên quan đến các nghiên cứu về chủ đề Miễn dịch trong nước và trên thế giới.