Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus): Toàn bộ thông tin cần biết

Tụ cầu vàng là loại khuẩn nguy hiểm gây nên nhiều bệnh lý nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời

Tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nên nhiều bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Các bệnh lý diễn biến nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Chưa kể, nó còn kháng rất nhiều loại kháng sinh thông dụng. Nhất là kháng sinh methicillin. Điều này khiến quá trình điều trị trở nên khó khăn hơn. Do đó, cần tuân thủ các biện pháp phòng tránh hiệu quả để ngăn chặn khả năng lây nhiễm. Xem ngay bài viết dưới đây để giải pháp mọi thắc mắc liên quan đến tụ cầu vàng.

1. Đôi nét về tụ cầu vàng

1.1 Tụ cầu vàng là gì?

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là loài tụ cầu khuẩn Gram dương hiếu khí. Đây cũng là nguyên nhân chính gây nên nhiễm khuẩn tụ cầu. Chúng thường cư trú phổ biến ở da. Số lượng vi khuẩn này ở những người làm tại các cơ sở y tế, sử dụng kim tiêm thường xuyên, bệnh nhân và người suy giảm hệ miễn dịch lên đến 80%. Đặc tính màu vàng xuất hiện do sắc tố carotenoid staphyloxanthin ở khóm cấy trên thạch vi khuẩn này. Nó còn là tác nhân độc hại chứa chất chống oxy hóa. Điều này giúp vi sinh vật không bị tiêu diệt bởi các chủng oxy phản ứng. Đồng thời, các tụ cầu thiếu sắc tố cũng dễ dàng bị hệ thống miễn dịch trên ký chủ giết.
Một số yếu tố độc lực gây bệnh phải kể đến như kháng nguyên vỏ, ngoại độc tố tiết từ vi khuẩn. Tụ cầu vàng gây ra các bệnh về nhiễm trùng bệnh viện và cho cộng đồng. Trong số các bệnh, bệnh nhiễm khuẩn huyết và viêm nội tâm mạc có diễn biến lâm sàng nặng và phức tạp. Chúng chiếm đến 30 – 40% các trường hợp. Đây là những bệnh cấp tính có thể gây tử vong. Tụ cầu vàng có đặc tính kháng kháng sinh mạnh mẽ. Bởi vậy, chúng rất khó điều trị và nguy hiểm đến tính mạng con người.

nhiễm khuẩn staphylococcus aureus

1.2 Môi trường sống

Staphylococcus aureus xuất hiện khắp nơi trong tự nhiên. Cụ thể là trên da, niêm mạc, mũi, đường hô hấp,… Nó là ký sinh vô hại nhưng có thể gây bệnh. Nhất là khi chúng xâm nhập vào da và gây nên các bệnh về nhiễm trùng. Chẳng hạn như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, phổi và một số mô khác. Ngoài ra, tụ cầu vàng này còn được tìm thấy trong thực phẩm và vùng nước. Có khoảng 3 trên 10 người khỏe mạnh có thể xuất hiện vi khuẩn SA trên người. Tuy nhiên, hầu hết họ đều không biết. Khuẩn tụ cầu vàng dễ dàng lây lan nhanh chóng giữa người với người khi tiếp xúc trực tiếp. Chẳng hạn như bắt tay, đụng vào vật nhiễm khuẩn, vật dụng công cộng,…

1.3 Đặc điểm

Tụ cầu vàng nằm trong nhóm vi khuẩn cơ hội do lây nhiễm từ người chế biến, động vật nhiễm bệnh. Nó thường xuyên có mặt trong mô, cơ quan để nhanh chóng xâm nhập khi có điều kiện thuận lợi.
Staphylococcus (staphyle – chùm nho) chỉ các cầu khuẩn kỵ khí tùy nghi. Các vi khuẩn Gram dương này bất động, không sinh nha bào, có hình cầu với đường kính 0.8 – 1 µm. Hình thức tập hợp này do Staphylococcus phân bào đa chiều trong không gian. Còn trong mẫu bệnh phẩm, chúng thường đứng lẻ, từng đôi hoặc đám nhỏ.
Một số Staphylococcus được phân lập từ bụi, không khí, thực phẩm (thịt, trứng, sữa…), cư trú ở vùng da, niêm mạc, tóc, lông của người và động vật.
Ba loại tụ cầu có vai trò quan trọng trong y học là:

  • Staphylococcus aureus (S. aureus)
  • Staphylococcus epidermidis (Tụ cầu da).
  • Staphylococcus saprophyticus.

1.4 Khả năng trốn thoát hệ miễn dịch bẩm sinh – Bất hoạt con đường hoạt hóa bổ thể

Khuẩn tụ cầu vàng có nhiều cách để “trốn thoát” khỏi hệ miễn dịch. Chẳng hạn như chúng sống sót trong bạch cầu trung tính. Đồng thời, tạo ra protein Map ức chế tế bào lympho T phản ứng. Chưa kể, chúng còn có thể ngăn chặn bổ thể. Đây là hàng rào miễn dịch đầu tiên bảo vệ cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra S. aureus có thể tiết protein Efb (Extracellular fibrinogen binding protein). Nó chỉ khoảng 19 kDa, bám vào tơ huyết và C3b. Thành phần cần thiết trong quá trình hoạt hóa bổ thể.
Liên kết này ngăn cản C3b gắn vào tế bào mầm bệnh. Từ đó, ngăn chặn hoạt hóa bổ thể và dẫn đến thực bào nhờ opsonin hóa bị bất hoạt. Nhờ sản sinh protein Efb, khuẩn tụ cầu vàng có thể bất hoạt cả hoạt hóa bổ thể cổ điển và con đường nhánh. Với khả năng “lẩn trốn” và điều chỉnh phản ứng miễn dịch, chúng có thể tồn tại và khiến cơ thể nhiễm trùng lâu dài.

1.5 Yếu tố độc lực bên ngoài của tụ cầu vàng

  • Laminin và fibronectin tạo mạng lưới dày đặc trên bề mặt biểu mô và nội mạc tế bào ký chủ.
  • Fibrin từ tiền chất đẩy mạnh quá trình đông máu và làm tổn thương mô.
  • Adhesion liên kết với collagen giúp vi khuẩn bám vào tế bào mô bị tổn thương. Nó được tìm thấy ở các chủng gây viêm khớp và xương tủy.
  • Vỏ polysaccharide: một số chủng S. aureus hình thành nên vỏ polysaccharide. Chúng kết hợp cùng protein A giúp bảo vệ vi khuẩn khỏi thực bào.
  • Thành vi khuẩn có techoic acid (TE), lypoteichoic acid (LTA), peptidoglycan (PGN) và protein A. Màng S. aureus chứa diacullipoprotein (DLP) giúp kích hoạt miễn dịch tại chỗ và hệ thống. S. aureus còn có protein tăng cường khả năng gắn vào da. Đó là các clumping protein, Pindin protein.
  • S. aureus có đặc tính kháng kháng sinh mạnh mẽ. Đa số S. aureus kháng lại peniciline G do sản xuất peniciline A nhờ gen R.plasmid. Số còn lại kháng methycilin gọi là methycilin resistance S. aureus (MRSA). Bởi chúng tạo ra protein gắn vào vị trí tác động của kháng sinh. Hiện nay, chỉ có rất ít S. aureus đề kháng được với Cephalosporin các thế hệ. Kháng sinh còn dùng trong trường hợp này gọi là vancomycin.

tác dụng kháng khuẩn của tụ cầu vàng

2. Tổng quan Nhiễm trùng do tụ cầu vàng

2.1 Nhiễm trùng do tụ cầu vàng là gì?

Nhiễm trùng do tụ cầu vàng (S. aureus) là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, gây tổn thương đến nhiều cơ quan. Chẳng hạn như da, mô mềm, xương khớp, phổi, nhiễm khuẩn huyết,… Một số biểu hiện lâm sàng đặc trưng là nhọt, chốc lở da và sốc nhiễm khuẩn, có thể dẫn đến tử vong. Đường phổ biến nhất mà nhiễm trùng xâm nhập là tổn thương da và niêm mạc. Tụ cầu vàng được nuôi cấy và phân lập trong các bệnh phẩm vô khuẩn. Điển hình là máu, dịch khớp, dịch màng phổi,… Nó là căn cứ để chẩn đoán bệnh hiệu quả.
Ngoài ra, lựa chọn kháng sinh điều trị bệnh do tụ cầu vàng liên quan đến vị trí cơ quan nhiễm khuẩn, diễn biến bệnh và tính kháng kháng sinh của tụ cầu. Một số loại kháng sinh phải kể đến như nhóm beta-lactame, vancomycin, linezolid,…

2.2 Đường lây truyền

Tụ cầu vàng xâm nhập và gây nhiễm trùng thông qua da hoặc màng nhầy bị phá vỡ. Có đến 50% số trường hợp nhiễm khuẩn nặng xuất phát từ các ổ nhiễm khuẩn ở da. Một số đường lây nhiễm ít gặp hơn là hô hấp, dạ dày ruột, hệ tiết niệu – sinh dục. Ngoài ra, chế biến thức ăn không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh rất dễ gây ngộ độc.

2.3 Nguyên nhân gây nhiễm trùng

Hầu hết các trường hợp bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng đều phát hiện vi khuẩn trên da. Chúng xâm nhập thông qua vết thương hoặc vết cắt. Trong một số trường hợp, chúng còn xâm nhập và gây nhiễm trùng các cơ quan, nguy hiểm đến tính mạng. Chưa kể, chúng còn sinh sống trên bề mặt vật dụng cá nhân và lây truyền qua người khi tiếp xúc. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tụ cầu vàng như:

  • Dùng một số loại thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh.
  • Rối loạn, suy giảm sức khỏe miễn dịch
  • Người bị tiểu đường
  • Người nhiễm HIV/AIDS.
  • Người lọc máu
  • Người mắc ung thư, đang trong điều trị hóa trị hoặc xạ trị
  • Da tổn thương như vết thương hở, côn trùng cắn, eczema, vết bỏng, trầy xước da,…
  • Mắc bệnh về hô hấp
  • Người phải thực hiện các thủ thuật xâm lấn
  • Môi trường sống mất vệ sinh, chật hẹp
  • Quan hệ tình dục nam – nam

Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy, con người rất dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Đồng thời, nó cũng nguy hiểm đến tính mạng nên không thể chủ quan.

2.4 Đối tượng nguy cơ Nhiễm trùng do tụ cầu vàng

  • Tỷ lệ mang tụ cầu vàng ở người khỏe mạnh từ 20 – 50%. Con số này cao hơn người mắc suy giảm miễn dịch, tiêm chích ma túy, tiểu đường, bị các tổn thương ngoài da,… Khi gặp điều kiện thuận lợi như tổn thương da, niêm mạc, hệ miễn dịch suy yếu, chúng phát triển và gây bệnh.
  • Người suy giảm chức năng tế bào bạch cầu hoặc rối loạn chức năng di truyền. Nhiễm khuẩn do S. aureus thường nặng hơn ở trẻ em và người già, những người có bệnh lí nền sẵn có và chức năng hệ thống miễn dịch giảm như xơ gan, đái tháo đường, sử dụng các thuốc corticoid kéo dài, hóa xạ trị bệnh ung thư,…
  • Các yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng là van tim giả, các bất thường về tim, tiêm chích ma túy, nhiễm trùng máu liên tục
  • Ngoài ra ở các đối tượng tiêm chích ma túy, việc sử dụng thường xuyên bơm tiêm không đảm bảo vệ sinh dễ dẫn tới nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng như nhiễm khuẩn huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn,…

Xem thêm:

3. Các bệnh lý, triệu chứng và biến chứng do nhiễm trùng do tụ cầu vàng

Cùng BCC tìm hiểu ngay một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng do tụ cầu vàng.

3.1 Một số bệnh lý liên quan

  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm

Đây là tình trạng bệnh lý nhiễm trùng thường gặp. Biểu hiện đặc trưng là mụn nhọt, chốc lở, áp xe dưới da, cơ, viêm mô,…

  • Viêm xương khớp

S. aureus là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng xương khớp. Chẳng hạn như viêm tủy xương, viêm khớp và nhiễm trùng khớp giả.

  • Viêm phổi

Viêm phổi do tụ cầu vàng xuất hiện sau khi cơ thể bị viêm đường hô hấp hoặc nhiễm khuẩn huyết. Nhất là nhiễm khuẩn do tụ cầu kháng methicillin (MRSA) gây biến chứng nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.

  • Nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn do S. aureus

Hầu hết các chủng này đều tiết độc tố ruột gây ngộ độc với một số biểu hiện cấp tính. Điển hình là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy,…

  • Hội chứng sốc nhiễm độc (TSS)

Hội chứng này thường liên quan đến thời kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ dùng bông băng bẩn hoặc ở người có vết thương nhiễm trùng. Diễn biến nhanh với một số biểu hiện như sốt cao rét run, môi khô, hơi thở hôi, phát ban, hạ huyết áp, tiêu chảy, suy giảm chức năng các cơ quan,…

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Tụ cầu vàng là căn nguyên chủ yếu với tỷ lệ mắc viêm nội tâm mạc từ 5-11%. Người bệnh thường xuất hiện các cơn sốt cao kéo dài, rét run, người mệt mỏi, khó thở, đau ngực, thiếu máu,… Biến chứng nặng có thể gây suy tim, mảng sùi di chuyển gây nhồi máu não, tắc mạch chi,…

  • Nhiễm khuẩn huyết

Tụ cầu vàng là tác nhân chính gây nhiễm khuẩn huyết. Nó xâm nhập vào cơ thể từ da, tử cung, catheter tĩnh mạch, châm cứu, vết mổ,… Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp không xác định được ổ nhiễm khuẩn.

nhiễm trùng huyết

3.2 Triệu chứng lâm sàng

  • Người nhiễm bị sốt cao, rét run, người già bị hạ thân nhiệt, môi khô, mệt mỏi,…
  • Người bị thâm nhiễm phổi, nhồi máu phổi và áp xe phổi xuất hiện một số triệu chứng. Điển hình là đau ngực, khó thở, ho ra máu hoặc mủ thối.
  • Biểu hiện về tim mạch: viêm nội tâm mạc và viêm ngoại tâm mạc.
  • Tổn thương xương khớp với nhiều hình thái như tổn thương xương đùi, xương chày, xương cánh tay, cổ tay,…
  • Tổn thương thận có thể là áp xe thận với nhiều ổ áp xe rải rác hai thận hoặc ổ áp xe lớn một bên thận, ngoài ra có thể gặp áp xe tiền liệt tuyến.
  • Tổn thương thần kinh như viêm màng não, áp xe não, áp xe tủy.
  • Viêm cơ, mụn mủ, áp xe dưới da, viêm mống mắt, viêm tuyến giáp trạng.
  • Gây sốc nhiễm khuẩn với biểu hiện suy chức năng đa cơ quan có tỷ lệ tử vong cao.

tụ cầu vàng gây mẩn ngứa

3.3 Biến chứng

Một số biến chứng xuất hiện do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng như: Áp xe các cơ quan như áp xe cơ, thận, phổi, não,…, tràn mủ màng phổi, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn huyết nặng… Nếu không được điều trị kịp thời, chúng có thể dẫn đến suy đa chức năng mô, cơ quan, sốc nhiễm khuẩn,… Thậm chí, dẫn đến tử vong.

4. Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng do tụ cầu vàng

Các bệnh lý nhiễm trùng do tụ cầu vàng gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm đến sức khỏe. Do đó, giải pháp hữu hiệu chất là chủ động phòng ngừa để ngăn chặn nguy cơ nhiễm khuẩn. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cần chú ý.

4.1 Phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện

  • Người bị nhiễm trùng cần áp dụng biện pháp phòng ngừa tiếp xúc nhằm ngăn ngừa sự lây lan.
  • Người nhà bệnh nhân và các nhân viên y tế chăm sóc cần cách ly bằng quần áo bảo hộ và vệ sinh tay sạch sẽ.
  • Vô khuẩn tuyệt đối các dụng cụ y tế.
  • Đảm bảo vệ sinh môi trường bệnh viện sạch sẽ.
  • Bệnh nhân cần tầm soát MRSA và cách ly lây lan ngay lập tức nếu phát hiện.

4.2 Phòng ngừa nhiễm khuẩn cộng đồng

  • Vệ sinh thân thể, răng miệng, rửa tay sạch sẽ và nên mang theo chai nhỏ khử trùng tay để đảm bảo vệ sinh.
  • Vệ sinh, băng các vết thương hở như vết cắt, vết trầy phải luôn cho đến khi khô và lành. Bởi mủ từ vết loét nhiễm trùng có thể là nơi tụ cầu vàng xâm nhập vào cơ thể.
  • Thường xuyên giặt giũ, vệ sinh sạch sẽ nơi ở và môi trường xung quanh.
  • Tiêm thuốc tuân theo chỉ định của bác sĩ bởi người dùng thuốc tiêm tĩnh mạch có nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng cao.
  • Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như khăn tắm, dao cạo, quần áo,…
  • Không nên tự sử dụng thuốc kháng sinh hoặc lạm dụng quá mức gây nên tình trạng kháng kháng sinh.
  • Đeo khẩu trang mỗi khi đi ra đường. Nếu bị viêm đường hô hấp, nhất là bệnh thuộc hô hấp trên, cần điều trị dứt điểm để ngăn chặn phát triển thành bệnh mạn tính.
  • Đảm bảo ăn chín, uống sôi và bảo quản thực phẩm lạnh dưới 4 độ C.
  • Hạn chế tiếp xúc với các vật dụng nhiều người sử dụng như thanh tay vịn, các vòi nước, tay nắm cửa,… Nhất là ở bệnh viện và khu công cộng.
  • Nâng cao hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt là trẻ em. Bởi chứ có vaccine phòng bệnh về nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.

5. Các biện pháp chẩn đoán Nhiễm trùng do tụ cầu vàng

5.1 Các xét nghiệm cận lâm sàng cơ bản

  • Xét nghiệm huyết học: Lượng bạch cầu trong máu ngoại vi tăng >12G/l hoặc < 4G/l. Một số tình trạng kéo theo là thiếu máu, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu tùy cơ địa người bệnh.
  • Xét nghiệm sinh hóa: Một số xét nghiệm liên quan đến tăng men gan, creatinine, bilirubin, marker viêm tăng. Ngoài ra, cần thực hiện xét nghiệm đánh giá các tổn thương cơ quan. Chẳng hạn như: chụp X-quang phổi, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm nước tiểu, chọc dò thắt lưng,…

5.2 Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên tụ cầu vàng

  • Nhuộm soi: Bệnh phẩm dịch phế quản, màng phổi, não tủy, ổ áp xe,… Kết quả xét nghiệm này cho thấy hình ảnh vi khuẩn bắt màu Gram dương, tập trung thành hình chùm nho.
  • Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn: Bệnh phẩm máu, dịch sinh học,… Kết quả nuôi cấy dương tính với tụ S. aureus. đánh giá tình trạng kháng kháng sinh của chủng tụ cầu vàng nuôi cấy được. Điều này giúp lựa chọn được liệu pháp điều trị bằng kháng sinh hiệu quả.

Ngoài ra, việc chẩn đoán còn phải dựa vào một số yếu tố. Điển hình là tiền sử, triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó, nuôi cấy bệnh phẩm vô khuẩn cho kết quả dương tính với S. aureus là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác.

6. Các biện pháp điều trị Nhiễm trùng do tụ cầu vàng

6.1 Thuốc kháng sinh

Sử dụng kháng sinh là giải pháp điều trị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng hiệu quả. Lựa chọn loại thuốc phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của chủng vi khuẩn với thuốc.

  • Nhiễm trùng nhẹ: Dùng kháng sinh đường uống.
  • Nhiễm trùng nặng: Dùng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch hoặc hết hợp với các loại kháng sinh khác được chỉ định.
  • Một số loại kháng sinh phổ biến được sử dụng hiện nay: Nhóm Penicillin M và nhóm Cephalosporin thế hệ 1. Với chủng kháng kháng sinh methicillin (MRSA), có thể sử dụng Vancomycin hoặc Linezolid.

6.2 Loại bỏ ổ nhiễm trùng

Loại bỏ ổ nhiễm trùng bằng cách dẫn lưu ổ mủ, cắt bỏ mô hoại tử, chăm sóc vết thương hở ngoài da,…

Xem thêm:

7. Tạm kết

Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là một vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm với khả năng gây nhiễm trùng và kháng sinh kháng. Khả năng sản xuất độc tố và kháng thuốc của nó đặt ra thách thức lớn trong điều trị bệnh. Để ngăn chặn sự lan truyền của nó, việc thực hiện vệ sinh cá nhân và phòng tránh tiếp xúc với vi khuẩn là rất quan trọng. BCC chuyên cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất các thông tin liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng Vi sinh vật trong mọi lĩnh vực.

cv

Tham vấn chuyên môn

TS. Đào Thị Lương

Tiến sĩ sinh học

Nguyên Phó phòng Bảo tàng Giống Vi sinh vật - Viện Vi sinh vật và Công nghệ Sinh học

Bích Vũ

Content Writer of BCC

4.9/5 - (9 bình chọn)

Bài viết liên quan

vi khuẩn lactic

Vi khuẩn Lactic – Quá trình lên men và ứng dụng đặc trưng

Vi khuẩn Lactic có khả năng sản xuất axit lactic trong quá trình lên men, được ứng dụng trong y...
xét nghiệm vi sinh

Xét nghiệm vi sinh – Quy trình, mục đích và thời điểm cần xét nghiệm

Xét nghiệm vi sinh, bước đột phá trong y học giúp xác định chính xác tác nhân gây bệnh, giai...
staphylococcus

Staphylococcus (Vi khuẩn tụ cầu): Toàn bộ thông tin cần biết

Staphylococcus là vi khuẩn tụ cầu nguy hiểm nhất, gây nên tình trạng nhiễm trùng da, hô hấp và nội...