Xét nghiệm máu là gì? Phương pháp giúp đánh giá sức khỏe tổng thể, chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị một số bệnh lý
Xét nghiệm máu không thể thiếu khi khám sức khỏe tổng quát hoặc nghi ngờ dấu hiệu bất thường. Đây là loại xét nghiệm quan trọng giúp phát hiện, chẩn đoán và theo dõi một số nguy cơ và bệnh lý. Chẳng hạn như tiểu đường, mỡ máu, huyết áp, thiếu máu, chức năng gan, thận,… Bởi vậy, các chuyên gia y tế khuyến nghị mọi người nên thực hiện xét nghiệm định kỳ. Từ đó, có thể đảm bảo sức khỏe và điều chỉnh lối sống lành mạnh. Cùng BCC tìm hiểu ngay về xét nghiệm máu thông qua bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1. Xét nghiệm máu là gì?
- 2. Phân loại xét nghiệm máu
- 3. Xét nghiệm máu để làm gì?
- 3.1 Bệnh về máu và thành phần trong máu
- 3.2 Bệnh về đường huyết
- 3.3 Bệnh liên quan đến canxi máu
- 3.4 Bệnh liên quan đến cân bằng điện giải
- 3.5 Kiểm tra chức năng của gan (SGOT, SGPT) và chức năng thận
- 3.6 Các bệnh liên quan đến hoạt động của enzyme
- 3.7 Tình trạng cơ bắp và tế bào tim bị tổn thương
- 3.8 Nguy cơ bệnh tim và rối loạn mỡ máu
- 4. Các chỉ số xét nghiệm máu và ý nghĩa
- 5. Quy trình xét nghiệm máu
- 6. Tạm kết
1. Xét nghiệm máu là gì?
Xét nghiệm máu là loại xét nghiệm dựa trên mẫu máu được lấy. Tùy mục đích xét nghiệm mà mẫu máu được cho vào chất chống đông khác nhau. Kết quả phân tích là các thông số về nồng độ một số chất trong máu hoặc số lượng tế bào máu. Bởi vậy, nó thường được chỉ định để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn hỗ trợ chẩn đoán bệnh, nguyên nhân gây bệnh, sàng lọc ung thư hoặc đánh giá hiệu quả điều trị. Thực tế, không phải chỉ người bệnh mới cần thực hiện xét nghiệm này. Mà tất cả mọi người đều cần làm khi khám sức khỏe định kỳ.
Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm máu còn cho biết nhóm máu. Từ đó, có thể xác định được phương thức truyền máu và một số vấn đề liên quan. Chưa kể, với sự phát triển của y học hiện nay, xét nghiệm máu còn giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý nguy hiểm. điều này giúp bệnh nhân sớm có phương án điều trị kịp thời, tăng cơ hội khỏi bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.
2. Phân loại xét nghiệm máu
2.1 Xét nghiệm công thức máu toàn phần – Tổng phân tích tế bào máu (CBC – complete blood count)
Xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC) được chỉ định phổ biến nhất khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Loại xét nghiệm này giúp xác định tình trạng sức khỏe chung. Đồng thời, hỗ trợ chẩn đoán, sàng lọc và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh. Điển hình là các bệnh về máu và rối loạn cơ thể ảnh hưởng đến tế bào máu. Chẳng hạn như viêm nhiễm, thiếu máu, rối loạn đông máu, ung thư máu,… Ngoài ra, nó còn giúp đánh giá khả năng lưu thông của các tế bào trong máu như tế bào hồng cầu (RBCs), bạch cầu (WBCs) và tiểu cầu (PLT).
2.2 Xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu giúp đo các chất khác nhau trong máu. Loại xét nghiệm này thường được thực hiện trên thành phần huyết tương hoặc huyết thanh máu. Đây là căn cứ quan trọng để đánh giá hoạt động gan, thận, khối lượng, tình trạng cơ, khớp và một số cơ quan khác. Xét nghiệm sinh hóa máu có xét nghiệm đường huyết, mỡ máu, canxi, nồng độ acid uric,…
3. Xét nghiệm máu để làm gì?
Xét nghiệm máu có vai trò quan trọng với con người. Nó cung cấp thông tin về nhóm máu cũng như đánh giá sức khỏe tổng quát. Đồng thời, hỗ trợ chẩn đoán, sàng lọc và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh lý. Cùng BCC tìm hiểu ngay mục đích của xét nghiệm máu.
3.1 Bệnh về máu và thành phần trong máu
Xét nghiệm máu tổng quát có khả năng phát hiện các bệnh về máu và tình trạng rối loạn liên quan. Ví dụ như viêm nhiễm, thiếu máu, rối loạn đông máu, miễn dịch, ung thư máu,… Các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác dựa vào các thông số xét nghiệm sau:
- Kiểm tra tế bào hồng cầu: Hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy đến các cơ quan nhằm phục vụ các hoạt động sống. Chỉ số hồng cầu bất thường cảnh báo tình trạng thiếu máu, mất nước, xuất huyết và một số rối loạn khác.
- Kiểm tra tế bào bạch cầu: Tế bào bạch cầu giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng, bệnh tật. Nồng độ này bất thường báo hiệu nguy cơ nhiễm trùng, ung thư máu hoặc rối loạn hệ miễn dịch.
- Kiểm tra tiểu cầu: Tiểu cầu hỗ trợ quá trình đông máu, ngưng chảy máu và mau lành vết thương. Chỉ số tế bào này bất thường có thể gây ra rối loạn chảy máu hoặc dễ tụ huyết khối.
- Hemoglobin (Hb): Đây là loại protein giàu chất sắt trong hồng cầu, hỗ trợ vận chuyển oxy. Nồng độ hemoglobin bất thường cảnh báo bệnh thiếu máu, hội chứng thalassemia,… Trường hợp mắc bệnh tiểu đường, lượng đường dư thừa sẽ liên kết với hemoglobin, dẫn đến tăng mức hemoglobin A1c (HbA1c).
- Hematocrit (Hct): Đây là chỉ số thể hiện dung tích hồng cầu. Mức hematocrit cao đồng nghĩa với tình trạng mất nước. Còn hematocrit thấp cảnh báo nguy cơ thiếu máu. Chỉ số Hct bất thường còn báo hiệu rối loạn về máu, tủy xương.
- Thể tích trung bình của hồng cầu (MCV): Chỉ số này bất thường cảnh báo bệnh thiếu máu, đặc biệt là thiếu máu cục bộ.
3.2 Bệnh về đường huyết
Xét nghiệm máu cho biết lượng đường (glucose) trong máu. Nồng độ này vượt quá giới hạn là dấu hiệu của bệnh đái tháo đường. Người thực hiện xét nghiệm glucose được yêu cầu nhịn ăn từ 8-12 giờ để đo lúc đói. Bệnh cạnh đó, cũng có một số xét nghiệm đường huyết khác được tiến hành sau bữa ăn hoặc bất kỳ lúc nào.
3.3 Bệnh liên quan đến canxi máu
Canxi là khoáng chất thiết yếu với cơ thể. Hàm lượng canxi quá cao hoặc quá thấp là dấu hiệu mắc bệnh lý về thận, xương, tuyến giáp, ung thư, suy dinh dưỡng,…
3.4 Bệnh liên quan đến cân bằng điện giải
Một số chất điện giải (natri, kali, clorua…) là thông số xét nghiệm máu quan trọng. Chúng giúp duy trì nồng độ chất lỏng và cân bằng nồng độ axit. Bất thường ở các thông số này cảnh báo tình trạng mất nước, bệnh về thận, gan, suy tim, tăng huyết áp hoặc các rối loạn khác.
3.5 Kiểm tra chức năng của gan (SGOT, SGPT) và chức năng thận
Xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng thận dựa trên nồng độ ure máu (BUN) và creatinin. Đây là các chất được thận sàng lọc và đào thải khỏi cơ thể. Chỉ số này bất thường cảnh báo nguy cơ cao mắc bệnh về thận hoặc rối loạn chức năng thận. Ngoài ra, nó còn là dấu hiệu gặp phải các bệnh về gan như viêm gan A, B, C, E, D,.. xơ gan, tăng men gan, ung thư gan…
3.6 Các bệnh liên quan đến hoạt động của enzyme
Enzyme có tác dụng kiểm soát và xúc tác cho các phản ứng hóa học diễn ra. Chúng liên kết và biến đổi cấu trúc phân tử nhằm tăng cường hoạt động hô hấp, tiêu hóa, chức năng cơ và hệ thần kinh. Kiểm tra hoạt động của enzym giúp nhanh chóng phát hiện các bất thường của cơ thể. Đặc biệt là hỗ trợ chẩn đoán các bệnh về gan và tim.
3.7 Tình trạng cơ bắp và tế bào tim bị tổn thương
Troponin là protein thực hiện nhiệm vụ co cơ. Khi cơ bắp, tế bào tim bị tổn thương, troponin bị rò rỉ vào máu, khiến nồng độ troponin trong máu tăng cao. Chẳng hạn hàm lượng troponin tăng cao khi bị đau tim. Bởi vậy, bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm troponin khi bệnh nhân có các dấu hiệu đau ngực hoặc đau tim khác.
3.8 Nguy cơ bệnh tim và rối loạn mỡ máu
Xét nghiệm máu giúp xác định nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bệnh lý mạch vành dựa trên thông số về lipid máu. Trong đó, bao gồm cholesterol và triglyceride. Cụ thể:
- Cholesterol (HDL-Cholesterol và LDL-Cholesterol): LDL-Cholesterol (cholesterol xấu) gây tắc nghẽn lòng mạch máu và xơ vữa động mạch. Còn HDL-Cholesterol (cholesterol tốt) giúp ngăn ngừa tắc nghẽn động mạch.
- Triglyceride: Đây là một loại chất béo trong máu. Khi hấp thụ, bất kỳ lượng calo nào không cần sử dụng ngay đều được chuyển hóa thành chất béo trung tính và lưu trữ trong tế bào máu.
Với xét nghiệm mỡ máu, người thực hiện cần nhịn ăn từ 9 – 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác.
Xem thêm:
- Sinh hóa máu là gì? Mục đích và ý nghĩa xét nghiệm cần biết
- Xét nghiệm Beta là gì? Ý nghĩa và một số lưu ý cần biết
4. Các chỉ số xét nghiệm máu và ý nghĩa
Dưới đây là một số chỉ số xét nghiệm máu phổ biến và ý nghĩa của chúng:
Tên xét nghiệm | Ý nghĩa xét nghiệm |
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi | Đánh giá chỉ số tế bào máu ngoại vi: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu |
Định lượng Ure | Đánh giá chức năng thận |
Định lượng Creatinin | |
Định lượng GOT | Đánh giá tổn thương gan |
Định lượng GPT | |
Định lượng Bilirubin toàn phần | Đánh giá tổn thương do gan mật, tan máu |
Định lượng Bilirubin trực tiếp | |
Định lượng Cholesterol toàn phần | Xác định tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ và nguy cơ xơ vữa động mạch |
Định lượng Tryglyceride | |
HDL-Cholesterol | |
LDL-Cholesterol | |
Định lượng Axit Uric | Chẩn đoán, đánh giá và theo dõi điều trị bệnh Gout |
Định lượng Glucose | Xét nghiệm tiểu đường |
LDH | Cảnh báo nguy cơ mắc bệnh lý ác tính, viêm nhiễm … |
Điện giải đồ | Đánh giá tình trạng các chất điện giải trong máu |
Định lượng sắt huyết thanh | Đánh giá tình trạng sắt |
Ferritin | Đánh giá dự trữ sắt |
Ca++ máu | Đánh giá chuyển hóa canxi |
Ca ion | |
HBsAg miễn dịch bán tự động/tự động | Xét nghiệm virus viêm gan B |
Anti-HCV miễn dịch bán tự động/tự động | Xét nghiệm virus viêm gan C |
5. Quy trình xét nghiệm máu
5.1 Trước khi xét nghiệm máu
Trong một số loại xét nghiệm máu, bác sĩ thường đưa ra một số chỉ định nhất định. Điều này giúp đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác. Chẳng hạn như:
- Nhịn ăn hoặc uống từ 8 – 12 giờ với các xét nghiệm liên quan đến đường máu và mỡ máu, bệnh về tim mạch và gan mật. Bởi sau khi ăn, chất dinh dưỡng chuyển hóa thành đường glucose, làm tăng lượng đường trong máu. Điều này dẫn đến sai lệch kết quả xét nghiệm.
- Ngưng sử dụng một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng.
- Cần trao đổi kỹ với bác sĩ về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng, tình trạng sức khỏe,… Để có được phương án xử lý kịp thời.
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,… vài tiếng đồng hồ trước khi lấy máu xét nghiệm.
- Hạn chế vận động quá sức trước khi xét nghiệm máu.
- Nên lấy máu xét nghiệm vào buổi sáng.
5.2 Quy trình xét nghiệm
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu diễn ra nhanh chóng chỉ trong 5-10 phút từ khi nhận mẫu. Các xét nghiệm hóa sinh và miễn dịch có quy trình phức tạp thường mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, không quá một đến hai tiếng. Quá trình lấy máu tĩnh mạch cũng chỉ mất từ 5 đến 10 phút nếu ven tĩnh mạch dễ lấy. Với trẻ em, mẫu máu thường được lấy ở ngón tay áp út.
- Bước 1: Lấy dây quấn quanh bắp tay trên để tĩnh mạch nổi rõ và dễ dàng tiếp cận.
- Bước 2: Làm sạch, khử trùng vùng da quay khu vực lấy máu.
- Bước 3: Lấy máu từ tĩnh mạch và cho vào ống chứa chất chống đông.
- Bước 4: Lấy miếng bông, bông gạc cầm máu chỗ lấy máu và đảm bảo vô trùng.
- Bước 5: Ống mẫu máu được dán đầy đủ nhãn tên, ngày tháng năm sinh và số định danh. Sau đó, mẫu máu được gửi đến phòng thí nghiệm để tiến hành kiểm tra và đưa ra kết quả.
Tùy từng loại xét nghiệm mà thời gian nhận được kết quả khác nhau. Nhìn chung, các xét nghiệm thường quy thường có kết quả sau 2 – 3 giờ. Còn xét nghiệm chuyên sâu cần kỹ thuật phức tạp hơn nên thời gian cũng dài hơn.
5.3 Cách đọc kết quả
Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác, bác sĩ sẽ so sánh với khoảng tham chiếu bình thường. Nếu nằm ngoài khoảng này, chứng tỏ cơ thể đang gặp vấn đề sức khỏe nào đó. Tuy nhiên, cần dựa vào một số xét nghiệm khác cùng triệu chứng, tiền sử bệnh, kết quả khám lâm sàng,… để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Xem thêm:
6. Tạm kết
Trên đây là toàn bộ thông tin nhằm giải đáp “Xét nghiệm máu là gì?”. Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến để chẩn đoán, đánh giá và theo dõi tình trạng sức khỏe. Máu được lấy từ tĩnh mạch, mao mạch hoặc đầu ngón tay và được phân tích trong phòng thí nghiệm. Kết quả các thông số là căn cứ để đánh giá sức khỏe tổng quát, chẩn đoán một số bệnh lý và hiệu quả điều trị bệnh. Đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo sống an toàn và khỏe mạnh. BCC chuyên cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất các thông tin liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng Xét nghiệm trong mọi lĩnh vực.