Chỉ số PCT trong máu là gì? Xét nghiệm quan trọng hỗ trợ chẩn đoán, phân biệt mức độ nhiễm khuẩn và đánh giá hiệu quả điều trị kháng sinh
Chỉ số PCT là công cụ quan trọng trong chẩn đoán nhiễm khuẩn và đánh giá tình trạng viêm nặng. Nó trở thành dấu hiệu đặc hiệu cho các loại nhiễm khuẩn. Bao gồm cả nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn do vi khuẩn và nấm. Ngoài ra, nó còn có cần thiết trong đánh giá hiệu quả điều trị kháng sinh và một số bệnh lý khác. Vậy chỉ số PCT trong máu là gì? Khi nào cần xét nghiệm và ý nghĩa của nó với sức khỏe con người? Cùng BCC tìm hiểu chi tiết thông qua bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1. Chỉ số PCT trong máu là gì?
- 2. Nguyên lý của xét nghiệm PCT
- 3. Ý nghĩa của chỉ số PCT trong xét nghiệm máu và thời điểm cần thực hiện
- 4. Quy trình thực hiện xét nghiệm PCT
- 5. Các yếu tố ảnh hưởng và hạn chế đến xét nghiệm chỉ số PCT trong máu là gì?
- 6. Cách đọc chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
- 7. Một số nguyên nhân làm tăng hoặc giảm chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
- 8. Lưu ý khi xét nghiệm chỉ số PCT trong máu
- 9. Tạm kết
1. Chỉ số PCT trong máu là gì?
PCT (viết tắt từ Procalcitonin) là tiền nội tiết tố của hormon calcitonin. Nó chứa 116 axit amin với trọng lượng phân tử 127 kD. Nó được sản sinh từ tế bào C ở tụy, phổi và tuyến giáp. Người bình thường thường có nồng độ trong máu thấp. Tuy nhiên, một số tế bào khác có thể tăng tổng hợp procalcitonin giải phóng từ gan khi bị tổn thương nặng. Đặc biệt do nhiễm khuẩn. Nó diễn ra trong 2 giờ sau khi nhiễm khuẩn và thời gian bán hủy từ 19 – 24 giờ. Chỉ số này tăng đột biến khi cơ thể sốc nhiễm khuẩn toàn thân. Khi tình trạng nhiễm khuẩn giảm, nồng độ procalcitonin thường trở về bình thường sau 2 – 3 ngày.
Bởi vậy, chỉ số PCT trong xét nghiệm máu tăng cao có thể cảnh báo các bệnh lý liên quan đến viêm nhiễm, nhiễm khuẩn. Nó có vai trò quan trọng trong chẩn đoán nguyên nhân và tình trạng nhiễm khuẩn. Đồng thời, đây là căn cứ để bác sĩ đưa ra liệu pháp điều trị hiệu quả và có sử dụng kháng sinh hay không. Đây là mục đích quan trọng hàng đầu. Bởi việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến kháng kháng sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn có thể đe dọa đến tính mạng.
2. Nguyên lý của xét nghiệm PCT
Xét nghiệm PCT sử dụng định lượng thông qua phương pháp miễn dịch sandwich. Quy trình này được thực hiện với công nghệ điện hóa hoặc hóa phát quang. Trong mẫu thử, PCT có vai trò như kháng nguyên kẹp giữa kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng procalcitonin đánh dấu biotin và ruthenium. Từ đó, phức hợp miễn dịch sandwich được hình thành. Hàm lượng PCT trong mẫu thử tỷ lệ thuận với cường độ phát quang.
- Thời kỳ ủ đầu tiên: Kháng nguyên trong mẫu thử (30μL), kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng PCT đánh dấu biotin và phức hợp ruthenium kết hợp với nhau tạo thành phức hợp bắt cặp.
- Thời kỳ ủ thứ hai: Khi thêm vi hạt phủ streptavidin, phức hợp miễn dịch trên kết hợp với pha rắn nhờ tương tác giữa biotin và streptavidin.
- Hỗn hợp phản ứng trên được chuyển đến phòng đo. Tại đây, các vi hạt đối từ được bắt giữ trên bề mặt điện cực. Các yếu tố không gắn kết bị đào thải khỏi buồng đo bởi ProCell/ProCell M. Cho điện áp vào điện cực tạo ra phát quang hóa học được đánh giá bởi bộ khuếch đại quang tử.
- Kết quả được xác định bởi đường chuẩn xét nghiệm trên máy. Nó được tạo nên từ xét nghiệm 2 – điểm chuẩn và thông tin đường chuẩn chính qua mã vạch trên hộp thuốc thử.
3. Ý nghĩa của chỉ số PCT trong xét nghiệm máu và thời điểm cần thực hiện
Chỉ số Procalcitonin thường được chỉ định xét nghiệm trong một số trường hợp sau:
- Chẩn đoán phân biệt nguyên nhân mắc bệnh lý do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Từ đó, quyết định dùng kháng sinh điều trị hay không. Đồng thời, có thể đánh giá hiệu quả khi sử dụng.
- Theo dõi, đánh giá nguy cơ nhiễm khuẩn với người sau hậu phẫu, ghép tạng, đa chấn thương, người được chăm sóc đặc biệt,… Qua đó, có thể phát hiện sớm tình trạng và phòng ngừa biến chứng nhiễm khuẩn nặng. Đặc biệt là nhiễm trùng máu.
- Tiên lượng bệnh viêm nặng như hội chứng suy đa tạng, đáp ứng viêm toàn thân, viêm hệ thống, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn sepsis, suy chức năng,…
- Chẩn đoán và theo dõi một số bệnh lý nhiễm trùng ở trẻ. Chẳng hạn như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu,…
Ngoài ra, với trường hợp tổn thương không do nhiễm khuẩn, để phòng ngừa nhiễm khuẩn, xét nghiệm PCT cũng được chỉ định thực hiện. Một số dấu hiệu nghi ngờ phải kể đến như: sốt, ớn lạnh, viêm mủ tại vị trí tổn thương, đau nhức dữ dội, đổ mồ hôi, khó thở, huyết áp thấp, không tỉnh táo,…
Xem thêm:
- Mono trong xét nghiệm máu là gì? Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý
- Chỉ số RBC trong máu là gì? Căn cứ đánh giá sức khỏe tổng quát
4. Quy trình thực hiện xét nghiệm PCT
Để đảm bảo kết quả, cần tuân thủ đúng quy trình xét nghiệm PCT. Cùng BCC tìm hiểu ngay với đầy đủ các bước dưới đây:
- Bước 1: Lấy 3ml máu tĩnh mạch. Mẫu máu bệnh phẩm không được vỡ hồng cầu.
- Bước 2: Ly tâm mẫu máu tách lấy huyết tương hoặc huyết thanh.
- Bước 3: Cài đặt máy trong xét nghiệm PCT. Sau đó, nhập các thông tin liên quan đến mẫu bệnh phẩm và chỉ định xét nghiệm vào máy.
- Bước 4: Đưa mẫu bệnh phẩm vào máy.
- Bước 5: Tiến hành bấm lệnh phân tích.
- Bước 6: Thiết bị tiến hành phân tích mẫu bệnh phẩm.
- Bước 7: Máy đưa ra kết quả và kỹ thuật viên đưa lại cho bác sĩ.
- Bước 8: Bác sĩ đọc kết quả, chẩn đoán và có thể chỉ định xét nghiệm chuyên sâu (nếu cần).
5. Các yếu tố ảnh hưởng và hạn chế đến xét nghiệm chỉ số PCT trong máu là gì?
Có một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm chỉ số PCT trong máu. Do đó, khi thực hiện, cần nắm vững các lưu ý sau để đảm bảo kết quả chính xác:
- Xét nghiệm chỉ số PCT không bị ảnh hưởng bởi lipid huyết (Intralipid< 1500 mg/dL), tán huyết (Hb <0.559 mmol/L hoặc <0.900 g/dL), biotin (<123 nmol/L hoặc <30 ng/mL), vàng da (billirubin < 428μmol/L hoặc < 25 mg/dL). Không nên thực hiện mấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm PCT với bệnh nhân đang dùng biotin liều cao (> 5mg/ngày), tối thiểu 8 giờ sau liều dùng biotin cuối.
- Kết quả xét nghiệm không bị tác động bởi yếu tố thấp khớp có nồng độ 1500 IU/ml.
- Hiệu ứng mẫu phẩm có nồng độ cao không làm nhiễu kết quả xét nghiệm với nồng độ PCT đạt mức 1000 ng/mL.
- Thử nghiệm in vitro trên 10 loại thuốc đặc trị và 18 loại thuốc thường được dùng không ảnh hưởng đến chỉ số PCT.
- Trong số ít trường hợp, kết quả xét nghiệm không chính xác có thể do nồng độ kháng thể kháng kháng thể đặc hiệu kháng chất phân tích, kháng streptavidin hay ruthenium quá cao trong mẫu bệnh phẩm. Để hạn chế tình trạng này, xét nghiệm đã được điều chỉnh phù hợp.
6. Cách đọc chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm nồng độ PCT có giá trị bổ sung. Đây không phải là cơ sở để chẩn đoán và điều trị bệnh mà cần kết hợp các chỉ số xét nghiệm khác.
6.1 Tham chiếu theo giá trị khuyến cáo
Giá trị nồng độ PCT trong máu được khuyến cáo sử dụng gồm:
- Giá trị PCT < 0,05 ng/ml: Giá trị bình thường.
- Giá trị PCT < 0,10ng/ml: Không dùng kháng sinh.
- Giá trị PCT < 0,25ng/ml: Không khuyến cáo điều trị bằng kháng sinh. Nếu hiệu quả thì tiếp tục sử dụng.
- Giá trị PCT > 0,25ng/ml: Khuyến cáo và cân nhắc dùng kháng sinh.
- Giá trị PCT > 0,50 ng/ml: Bắt buộc sử dụng kháng sinh.
- Giá trị PCT 0,50 – 2,0 (ng/ml): Nhiễm khuẩn do đáp ứng viêm hệ thống tương đối. Một số nguyên nhân phải kể đến như chấn thương, hậu phẫu, sốc tim…
- Giá trị PCT 2,0 – 10 (ng/ml): Đáp ứng viêm hệ thống nghiêm trọng (SIRS). Nguyên nhân là do nhiễm trùng hệ thống và nhiễm khuẩn huyết, chưa suy đa tạng.
- Giá trị PCT > 10 ng/ml: Đáp ứng viêm hệ thống sâu do nhiễm khuẩn huyết nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn.
6.2 Tham chiếu theo đối tượng
- Trẻ sau sinh dưới 72 giờ: Giá trị PCT < 2.0ng/ml
- Trẻ sau sinh từ 18 – 30 giờ: Giá trị PCT < 20ng/ml
- Trẻ sau sinh từ 72 giờ: Giá trị PCT là 0.15ng/ml
- Người lớn: Giá trị PCT là 0.15 ng/ml
6.3 Tham chiếu theo mức độ nhiễm khuẩn
Dưới đây là khoảng tham chiếu tham khảo phản ánh mức độ nhiễm khuẩn với người lớn:
- PCT < 0.05ng/ml: Không nhiễm khuẩn. PCT từ 0.05 – 0.5ng/ml: Có nguy cơ mắc nhiễm khuẩn khu trú. Cần thực hiện xét nghiệm chuyên sâu để đánh giá. PCT từ 0.5 – 2.0ng/ml: Có thể bị nhiễm trùng toàn thân hoặc nhiễm trùng khu trú. Còn nhiễm trùng huyết chưa đủ căn cứ xác định. PCT từ 2 – 10ng/ml: Khả năng nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm màng não cao nhưng chưa suy đa tạng. PCT > 10 ng/ml: Nhiễm khuẩn huyết kèm sốc nhiễm trùng nghiêm trọng, suy đa tạng dẫn đến tử vong.
- Với người đang điều trị nhiễm trùng, cần theo dõi sát sao chỉ số PCT. Trường hợp nồng độ ổn định hoặc tăng tức là hiệu quả điều trị chưa tốt. Do đó, cần tiếp tục điều trị và xem xét tăng liều kháng sinh.
7. Một số nguyên nhân làm tăng hoặc giảm chỉ số PCT trong xét nghiệm máu
7.1 Trường hợp tăng chỉ số PCT nhưng không xuất phát từ nhiễm trùng
Chỉ số PCT là căn cứ quan trọng để bác sĩ đánh giá tình trạng nhiễm trùng. Tuy nhiên, có một số trường hợp tăng PCT không phải do nhiễm trùng như:
- Sốc tim nặng hoặc kéo dài
- Bất thường tưới máu cơ quan nặng và kéo dài
- Sử dụng thuốc gây sốc không do nhiễm trùng
- Kháng thể heterophile gây kết quả dương tính giả.
- Bệnh nhân mắc suy thận giai đoạn cuối không được điều trị
- Ung thư phổi tế bào nhỏ và biểu mô tế bào C trong tủy tuyến giáp
- Sau cuộc đại phẫu, chấn thương nghiêm trọng, bị phỏng nặng
- Kích thích giải phóng cytokine tiền viêm trong quá trình điều trị
- Trẻ nhỏ sau sinh dưới 48 giờ sau sinh
Do đó, để đảm bảo kết quả chính xác, cần xem xét và loại trừ các yếu tố ảnh hưởng này. Ngoài ra, cần trao đổi với bác sĩ về tiền sử bệnh, biểu hiện lâm sàng và các phát hiện khác. Điều này giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh và liệu pháp điều trị phù hợp.
7.2 Trường hợp giảm PCT
- Người bệnh đang trong quá trình điều trị nhiễm trùng. Chỉ số PCT giảm chứng tỏ cơ thể đáp ứng tốt với phác đồ điều trị.
- Chưa từng điều trị kháng sinh mà vẫn có triệu chứng nhiễm khuẩn với chỉ số PCT giảm. Điều này có thể cảnh báo nguy cơ xâm nhập của virus.
- Định lượng PCT quá sớm khi mắc bệnh. Nếu mắc nhiễm khuẩn huyết, chỉ số PCT có thể tăng lên trong khoảng vài giờ hay vài ngày tiếp theo.
- PCT giảm trong thời gian bán hủy 24 – 35 giờ khi điều trị kháng sinh thành công.
8. Lưu ý khi xét nghiệm chỉ số PCT trong máu
Kết quả xét nghiệm Procalcitonin có thể thiếu tính chính xác trong đánh giá bệnh nếu:
- Thực hiện xét nghiệm quá sớm trong quá trình tiến triển bệnh. Bởi sau nhiễm khuẩn, kể cả nhiễm khuẩn huyết, nồng độ PCT chỉ tăng lên sau vài giờ hoặc vài ngày là muộn nhất.
- Chưa điều trị nhưng bệnh nhân vẫn có triệu chứng với nồng độ PCT trong máu thấp. Nó chứng tỏ nguyên nhân gây bệnh có thể do virus. Do đó, cần chẩn đoán cẩn thận với các trường hợp nghi nhiễm đồng thời virus và vi khuẩn.
- Trong quá trình điều trị, nếu mức PCT giảm ổn định chứng tỏ liệu pháp điều trị phù hợp và bệnh nhân đáp ứng tốt. Bác sĩ có thể cân nhắc giảm liều dùng kháng sinh. Thời gian giảm là thời gian bán hủy của chất này trong huyết tương, khoảng từ 24 – 35 giờ.
Xem thêm:
- RDW trong xét nghiệm máu là gì? Ý nghĩa và một số lưu ý cần biết
- PDW trong xét nghiệm máu là gì? Cảnh báo các vấn đề sức khỏe
9. Tạm kết
Trên đây là toàn bộ thông tin nhằm giải đáp “Chỉ số PCT trong máu là gì?”. Đây là công cụ đáng tin cậy trong chẩn đoán nhiễm khuẩn. Đặc biệt là nhiễm khuẩn toàn thân. Sự kết hợp giữa PCT và dữ liệu lâm sàng là cơ sở để điều chỉnh liều dùng kháng sinh cho bệnh nhân. Từ đó, giảm thời gian và chi phí điều trị. Đồng thời hạn chế tình trạng vi khuẩn kháng thuốc. Tuy nhiên, cần kết hợp với các xét nghiệm khác để đảm bảo đưa ra chẩn đoán chính xác và liệu pháp điều trị hiệu quả. BCC chuyên cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất các thông tin liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng Xét nghiệm trong mọi lĩnh vực.