Sinh hóa máu là gì? Xét nghiệm bao gồm thông số về nồng độ các chất giúp đánh giá sức khỏe tổng quát và chức năng của cơ quan trong cơ thể
Xét nghiệm sinh hóa máu đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tổng quát. Đồng thời, chẩn đoán và theo dõi nhiều bệnh lý. Xét nghiệm này đo lường nồng độ các chất trong máu. Từ đó, đánh giá chức năng gan, thận, tim, tuyến giáp, cân bằng điện giải và nhiều cơ quan khác. Cùng BCC tìm hiểu chi tiết về “sinh hóa máu là gì” và ý nghĩa của xét nghiệm chỉ số này thông qua bài viết dưới đây.
Nội dung
- 1. Xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
- 2. Mục đích xét nghiệm sinh hóa máu
- 3. Thời điểm cần xét nghiệm chỉ số sinh hóa máu
- 4. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu
- 5. Quy trình thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu
- 6. Cách đọc kết quả xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
- 7. Một số lưu ý cần biết khi xét nghiệm sinh hóa máu
- 8. Các chỉ số xét nghiệm sinh hoá máu khác
- 9. Tạm kết
1. Xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
Xét nghiệm sinh hóa máu là gì? Đây là loại xét nghiệm giúp đo nồng độ và hoạt động của một số chất trong máu. Cụ thể là phân tích các chất hóa học trong huyết tương. Chẳng hạn như chất điện giải, các loại chất béo, glucose, protein… Đây là căn cứ để đánh giá chức năng của các cơ quan và hệ thống quan trọng trong cơ thể. Điển hình là gan, thận. Nó thường đi kèm với xét nghiệm công thức máu toàn bộ. Nếu có dấu hiệu bất thường, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo mắc một số bệnh lý hoặc đánh giá hiệu quả điều trị.
Các loại xét nghiệm này được thực hiện trong thực hành lâm sàng hàng ngày. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ chỉ định trong những trường hợp cần thiết. Ngoài ra, có thể cần đo thêm định lượng nồng độ một số chất. Chẳng hạn như hormone, vitamin, khoáng chất, điện giải, phản ứng viêm, chất chỉ điểm ung thư,…
Một số chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu gồm:
- Chức năng thận: ure, creatinine, eGFR (tính mức lọc cầu thận), axit uric, phốt pho
- Bệnh tiểu đường: đường huyết (glucose), bảng phản xạ HbA1c
- Bệnh gout: axit uric
- Sức khỏe xương, chức năng tuyến cận giáp, hàm lượng Vitamin D: canxi, phốt pho, ALP
- Bệnh lý tim mạch: cholesterol, triglycerid, HDL cholesterol, apolipoprotein B
- Chức năng gan và ống mật: bilirubin toàn phần, ALP, lactate dehydrogenase (LDH), aspartate aminotransferase (AST), alanine aminotransferase (ALT), gamma-glutamyltransferase (GGT), albumin
- Rối loạn tan máu: bilirubin
- Chức năng tuyến thượng thận, phù, tăng huyết áp,pH máu: Natri, Kali…
- Tình trạng dinh dưỡng và chức năng tủy xương: protein, albumin, globulin, tỷ lệ albumin/globulin (A/G), LDH
2. Mục đích xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu có vai trò quan trọng trong lĩnh vực y khoa. Dưới đây là một số mục đích cụ thể:
- Đánh giá sức khỏe tổng quát
- Kiểm tra chức năng một số cơ quan quan trọng như gan và thận
- Kiểm tra chức năng một số tuyến nội tiếp quan trọng như tuyến giáp, tuyến thượng thận…
- Kiểm tra mức độ cân bằng nước và điện giải trong môi trường ngoại bào
- Chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý mắc phải
- Đánh giá hiệu quả điều trị, mức độ tiến triển bệnh và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp
3. Thời điểm cần xét nghiệm chỉ số sinh hóa máu
Qua thăm khám và chẩn đoán ban đầu, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sinh hóa máu. Tuy nhiên, nó thường được tiến hành trong một số trường hợp sau:
- Khám sức khỏe định kỳ
- Xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh lý gan, thận như: mệt mỏi, tiểu quá ít hoặc quá thường xuyên, buồn nôn, nôn mửa…
- Xuất hiện các triệu chứng bất thường nhưng không liên quan đến cơ chế gây bệnh. Phải kể đến một số dấu hiệu mệt mỏi do mất máu mãn tính từ tổn thương dạ dày,…
- Chẩn đoán và theo dõi các bệnh lý trong suốt quá trình điều trị
4. Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu
Cùng BCC tìm hiểu ngay một số chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu quan trọng và phổ biến hiện nay.
4.1 Ure máu
Ure là sản phẩm thoái hóa chính của protein và được lọc qua cầu thận để đào thải qua nước tiểu. Bởi vậy, đây là xét nghiệm giúp đánh giá chức năng thận và theo dõi các bệnh lý về thận. Đồng thời, đánh giá khả năng cung cấp protein trong chế độ ăn hàng ngày. Giá trị bình thường của ure dao động từ 2,5 – 7,5 mmol/l
- Ure máu tăng khi mắc một số bệnh lý về thận. Chẳng hạn như suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận, viêm ống thận, sỏi niệu quản, suy tim sung huyết, mất nước, suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa,…
- Ure máu giảm do chế độ ăn ít protein, truyền nhiều dịch, phụ nữ mang thai, thận hư, suy giảm chức năng gan,…
4.2 Creatinin huyết thanh
Creatinin huyết thanh là sản phẩm đào thải của quá trình thoái hóa creatinin phosphat ở cơ. Nó được lọc ở cầu thận nhưng không được tái hấp thu ở các ống thận. Bởi vậy, chỉ số creatinin giúp đánh giá chức năng thận. Ở nam giới, giá trị creatinin huyết thanh bình thường là từ 62 – 120 mmol/l. Còn ở nữ giới là 53 – 100 mmol/l.
- Creatinin huyết thanh tăng khi cơ thể mắc bệnh lý suy thận, suy tim, gout, cường giáp, tăng huyết áp, đái tháo đường,…
- Creatinin huyết thanh giảm ở thai phụ, teo cơ, liệt, sử dụng thuốc chống động kinh,…
Xem thêm:
4.3 AST (SGOT), ALT (SGPT), GGT
Các chỉ số AST, ALT, GGT giúp đánh giá một số bệnh lý về gan. Chẳng hạn như viêm gan cấp, mạn, tổn thương nhu mô gan (viêm gan siêu vi trùng, do uống rượu…). Cả ba chỉ số này có giá trị bình thường nằm trong khoảng <35 U/L với nữ và <50 U/L với nam.
4.4 ALP
ALP (phosphatase kiềm) thường được tìm thấy trong gan và xương. ALP tăng cảnh báo các bệnh lý gan mật và xương. Cụ thể là còi xương, rối loạn chuyển hóa xương, nhuyễn xương, tắc ống mật, ung thư tiền liệt tuyến,… Chỉ số ALP bình thường theo quy định là dưới 120 U/L.
4.5 Bilirubin
Chỉ số bilirubin giúp chẩn đoán và theo dõi tình trạng vàng da. Một số nguyên nhân phải kể đến như tan huyết, viêm gan, tắc mật. Có 3 chỉ số bilirubin đánh giá gồm: Bilirubin toàn phần; Bilirubin trực tiếp và Bilirubin gián tiếp. Trong đó, chỉ số Bilirubin toàn phần ở người bình thường là dưới 21 umol/L.
4.6 Albumin
Albumin là protein được tổng hợp ở gan. Nó chiếm đến 60% tổng protein toàn phần trong huyết thanh. Albumin giúp tăng khả năng thẩm thấu và vận chuyển một số hợp chất. Chẳng hạn như chất chuyển hóa, ion kim loại, bilirubin, acid béo tự do, hormon, thuốc… Đồng thời, cung cấp acid amin hỗ trợ tổng hợp protein ở mô. Bởi vậy, xét nghiệm chỉ số Albumin giúp đánh giá chức năng gan. Giá trị bình thường nằm trong khoảng 35 – 50 g/L.
4.7 Chỉ số xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm đường huyết bao gồm xét nghiệm Glucose máu và HbA1C. Nó giúp chẩn đoán, theo dõi bệnh nhân đái tháo đường và người bị hạ đường huyết. Nồng độ glucose máu bình thường nằm trong khoảng 3,9- 6,4 mmol/. Còn nồng độ HbA1C là 4 – 5,9%.
4.8 Chỉ số xét nghiệm mỡ máu
Cholesterol toàn phần
Xét nghiệm Cholesterol toàn phần được chỉ định ở một số trường hợp. Cụ thể là người mắc rối loạn lipid máu, đánh giá nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, chức năng gan, tăng huyết áp, thừa cân béo phì. Ngoài ra, nó còn được chỉ định khi khám sức khỏe định kỳ ở người trên 40 tuổi. Nồng độ Cholesterol toàn phần ở người bình thường nằm trong khoảng từ 3,9 – 5,2 mmol/L.
- Cholesterol tăng khi mắc: suy giáp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, vàng da tắc mật, thận hư, tiền sản giật, phụ nữ mang thai…
- Cholesterol giảm khi mắc: cường giáp, suy gan, thiếu máu, suy dinh dưỡng,…
HDL-C (HDL-Cholesterol) – HDL
Loại xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng rối loạn lipid máu. HDL-C giúp vận chuyển cholesterol lắng đọng ở thành mạch máu về gan. Quá trình này giúp ngăn chặn việc hình thành các mảng xơ vữa. Bởi vậy, nó được gọi là cholesterol tốt. Nồng độ HDL-C bình thường trên 0,9 mmol/L. Nồng độ này giảm khi cơ thể mắc xơ vữa động mạch, thừa cân béo phì, hút thuốc lá, lười vận động,…
LDL-C (LDL-Cholesterol)
Chỉ số LDL-C giúp đánh giá tình trạng lipid máu, huyết áp cao, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch,… LDL-C vận chuyển cholesterol tới mạch máu. Bởi vậy, nồng độ này tăng lên trong máu tạo ra các mảng xơ vữa động mạch. Nồng độ LDL-C thường dưới 3,4 mmol/l ở người bình thường.
- LDL-C tăng khi người bệnh mắc xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu, béo phì,…
- LDL-C giảm khi mắc xơ gan, suy kiệt, kém hấp thu.
Triglycerid
Đây là chỉ số thường được chỉ định khi có dấu hiệu chẩn đoán rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thừa cân béo phì, lười vận động,… Giá trị Triglycerid bình thường nằm trong khoảng từ 0,46 – 1,88 mmol/l.
- Triglycerid tăng cao do thừa cân béo phì, thận hư, suy giáp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch,…
- Triglycerid giảm do hấp thu kém, suy kiệt, cường giáp, hoạt động quá sức,…
4.9 Xét nghiệm ion đồ
Na+
Na+ là cation chính của dịch ngoại bào giúp giữ nước. Thừa Na+ trong dịch ngoại bào khiến thận tái hấp thu nhiều nước. Nồng độ Na+ trong máu ở người bình thường là 135 – 145 mmol/l. Na+ thường tăng cao do tăng cường aldosteron, sử dụng corticoid, mất nước,… Còn nồng độ này giảm khi gặp phải ứ dịch do suy tim, suy thận, xơ gan. Ngoài ra, mất natri còn xảy ra do bỏng, nôn ói, xuất huyết, tiêu chảy,…
K+
K+ là chất điện giải của dịch nội bào. Nồng độ bình thường của chất này trong máu dao động từ 3,5 – 5,0 mmol/l. K+ trong máu tăng cao do suy thận, sử dụng thuốc tăng giữ kali (thuốc lợi tiểu tiết kiệm kali, thuốc ức chế men chuyển),… Còn K+ giảm do mất qua đường tiêu hoá (tiêu chảy, ói mửa…), đường tiểu, không cung cấp đủ hoặc di chuyển từ ngoại bào vào nội bào.
Cl-
Cl- là loại anion chủ yếu của dịch ngoại bào. Ion Cl- cùng ion HCO3- giúp cân bằng kiềm-toan trong cơ thể. Cl- còn hỗ trợ cân bằng nước và duy trì áp lực thẩm thấu. Nó hoạt động như thành phần của hệ đệm, trung hòa về điện tích và cải thiện tiêu hóa.
Giá trị Cl- ở người bình thường nằm trong khoảng từ 98 – 106 mmol/l.
Chỉ số này tăng do ăn mặn, suy thận, toan chuyển hóa, shock phản vệ, hôn mê sâu,… Còn Cl- giảm do ăn nhạt, tiêu chảy, mất nước cấp gây nhiễm kiềm chuyển hoá, nôn nhiều, sử dụng thuốc lợi tiểu,…
Ca++
Đây là ion kim loại chiếm tỷ lệ lớn trong cơ thể. Tuy nhiên, chỉ có 0,5% tổng lượng ion được trao đổi. Ca++ giúp ngăn ngừa co cơ, cải thiện chức năng tim, dẫn truyền các xung thần kinh và hỗ trợ cầm máu nhanh chóng. Nồng độ Ca++ bình thường dao động từ 4,2 – 5,2 mEq/l (2,1 – 2,6 mmol/l).
- Ca++ tăng khi sử dụng lượng lớn vitamin D, cường cận giáp, nhiễm toan, nhiễm độc giáp, bệnh Paget…
- Ca++ giảm khi thiếu vitamin D, nhiễm kiềm, nhược cận giáp, bệnh thận nặng,…
4.10 Xét nghiệm Acid Uric
Xét nghiệm Acid Uric giúp xác định các tình trạng bệnh lý làm biến đổi nồng độ acid uric máu (bệnh gout), bệnh thận,… Giá trị acid uric trong máu bình thường ở nam giới là 180 – 420 mmol/l. Còn hàm lượng này ở nữ là 150 – 360 mmol/l.
- Acid uric tăng khi người bệnh mắc bệnh gout, thừa cân béo phì, suy thận, suy tim, suy giáp, bệnh vẩy nến, tiền sản giật…
- Acid uric giảm khi gặp tổn thương ở tế bào gan, bệnh Wilson, Fanconi, Hodgkin…
5. Quy trình thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu
Xét nghiệm sinh hóa máu gồm nhiều giai đoạn phức tạp và phân tích dựa trên nhiều chỉ số khác nhau. Nó có giá trị chẩn đoán cao, thường được chỉ định để kiểm tra sức khỏe. Đồng thời, chẩn đoán, theo dõi và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Nó đòi hỏi kỹ thuật viên có tay nghề chuyên môn cao và thiết bị xét nghiệm hiện đại. Bởi vậy, cần lựa chọn đơn vị xét nghiệm uy tín để thực hiện xét nghiệm sinh hóa.
5.1 Chuẩn bị
Trước khi tiến hành xét nghiệm, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý để đảm bảo kết quả chính xác:
- Nhịn ăn uống (trừ nước) trong vài giờ trước khi xét nghiệm.
- Ngưng sử dụng một số loại thuốc trước khi xét nghiệm
5.2 Các bước thực hiện
- Bước 1: Kỹ thuật viên quấn dây thun quanh bắp tay để xác định ven.
- Bước 2: Làm sạch và khử trùng tại nơi cần lấy mẫu máu xét nghiệm.
- Bước 3: Lấy máu tĩnh mạch.
- Bước 4: Thu thập máu vào ống nhỏ chứa chất chống đông và dán thông tin người bệnh.
- Bước 5: Tháo dây thun và rút kim khỏi tĩnh mạch.
- Bước 6: Đặt miếng băng nhỏ lên trên vị trí tiêm để cầm máu.
- Bước 7: Gửi mẫu máu đến phòng kiểm tra, tiến hành phân tích và đưa ra kết quả.
6. Cách đọc kết quả xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
Kết quả xét nghiệm được đưa ra dưới dạng chữ số với đơn vị đo nồng độ tương ứng. Nhìn chung, kết quả xét nghiệm sinh hóa máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
- Kết quả của bệnh nhân
- Giá trị tham chiếu của nồng độ được quy định ở người bình thường
- Giới tính, tuổi tác và tiền sử mắc bệnh (nếu có)
- Tình trạng bệnh và mức độ tiến triển hiện tại
- Thuốc bệnh nhân đang sử dụng
Dựa trên các yếu tố này, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu kiểm tra lại, theo dõi và đưa ra phương hướng điều trị kịp thời. Ngược lại, nếu kết quả xét nghiệm bình thường, các thông số sẽ được lưu trữ lại làm giá trị tham chiếu cho những lần sau. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng mọi chỉ định trước khi xét nghiệm để đảm bảo kết quả chính xác nhất.
7. Một số lưu ý cần biết khi xét nghiệm sinh hóa máu
7.1 Tác dụng phụ của xét nghiệm sinh hóa máu là gì?
Xét nghiệm sinh hóa máu thường an toàn và không gây ra tác dụng phụ. Tuy nhiên, một số người có thể xuất hiện vết sưng đau nhẹ ở vị trí lấy mẫu. Ngoài ra, một số ít trường hợp còn gặp phải các tác dụng phụ sau: khó chịu, mệt mỏi, chảy máu, sưng tấy, bầm tím, nhiễm trùng,…
7.2 Xét nghiệm sinh hóa máu ở trẻ nhỏ
Với trẻ nhỏ, bác sĩ thường lấy mẫu máu ở các mao mạch tại ngón tay hoặc gót chân. Phụ huynh cần nói chuyện với con để dỗ dành và chuẩn bị tâm lý tốt cho trẻ. Cụ thể:
- Lạnh khi vị trí tiêm được sát trùng bằng cồn
- Bác sĩ lấy máu chỉ như kim châm, không đau
- Nhìn ra chỗ khác để tránh thấy máu bị lấy ra chảy vào ống
- Máu mới sẽ được tạo ra và không ảnh hưởng đến sức khỏe
8. Các chỉ số xét nghiệm sinh hoá máu khác
Dưới đây là một số chỉ số xét nghiệm sinh hóa máu khác được chỉ định trong các trường hợp nhất định.
8.1 Xét nghiệm protein phản ứng C
Xét nghiệm protein phản ứng C được chỉ định để đánh giá hoạt động và chức năng tim. Nồng độ protein phản ứng C liên quan chặt chẽ đến viêm do thương tổn hoặc stress bên trong:
- Giá trị dưới 1.0 mg/L: Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch thấp.
- Giá trị nằm trong khoảng từ 1.0 – 3.0 mg/L: Khả năng mắc bệnh tim ở mức trung bình.
- Giá trị trên 3.0 mg/L: Khả năng mắc bệnh tim mạch cao.
8.2 Xét nghiệm Homocysteine
Đây là xét nghiệm giúp chẩn đoán tình trạng bị đau tim, đột quỵ, thiếu vitamin B12 hoặc folate. Từ đó, có thể xác định chính xác bệnh tim mạch, tình trạng huyết áp và tỷ lệ trao đổi chất cơ bản. Nồng độ homocysteine bình thường ở mức 4 – 14 micromol/l. Chỉ số này cao cảnh báo nguy cơ đột quỵ và mắc bệnh tim cao.
8.3 Xét nghiệm HbA1c/glycosylated hemoglobin
Xét nghiệm HbA1c/glycosylated hemoglobin giúp đánh giá tình trạng bệnh tiểu đường. Nồng độ HbA1c trong máu ở người bình thường là dưới 5.7%. Giá trị này nằm trong khoảng từ 5.7 – 6.4% cho thấy nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Còn giá trị HbA1c trên 6.5% trở lên được tìm thấy ở những người mắc bệnh tiểu đường.
9. Tạm kết
Trên đây là toàn bộ thông tin nhằm giải đáp “Sinh hóa máu là gì?”. Xét nghiệm sinh hóa máu là một xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể bằng cách phân tích các chất trong máu. Các chỉ số sinh hóa máu cung cấp thông tin về chức năng của nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể. Việc thực hiện xét nghiệm sinh hóa máu định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm. Từ đó, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. BCC chuyên cập nhật nhanh chóng và chính xác nhất các thông tin liên quan đến nghiên cứu và ứng dụng Xét nghiệm trong mọi lĩnh vực.